Giới chuyên gia dự đoán châu Âu sẽ phải trải qua nhiều mùa đông khó khăn trước khi có thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung khí đốt từ Nga.
Châu Âu đang phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), trông chờ vào một mùa đông không quá khắc nghiệt và nỗ lực cắt giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, bởi bất kỳ sự cố nào đối với cơ sở hạ tầng năng lượng hay chỉ cần Nga giảm sâu hơn nguồn cung cũng sẽ khiến họ phải đối diện với điều tồi tệ nhất.
Ngay cả khi Liên minh châu Âu (EU) đạt mục tiêu tích trữ 80% công suất dự trữ khí đốt tối đa vào tháng 11 và đảm bảo được nhu cầu sưởi ấm và thắp sáng trong mùa đông năm nay, họ sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn nhiều, khi phải bổ sung kho dự trữ cạn kiệt vào năm tới.
Kho dự trữ khí đốt của EU đang đạt khoảng 90% công suất. Đây được coi là một lợi thế, nhưng việc Nga ngừng cung cấp khí đốt đến khu vực qua đường ống Nord Stream đã tạo ra khoảng trống rất lớn, bất chấp nguồn cung từ những nơi khác đang tăng lên.
Nga dần giảm bớt dòng khí đốt qua Nord Stream cũng như các tuyến ống khác sau khi phương Tây áp loạt lệnh trừng phạt lên nước này vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream đã ngừng hoàn toàn vào tháng 9.
Các nhà phân tích ước tính châu Âu có thể thiếu hụt khí đốt ở mức gần 15% nhu cầu trung bình vào mùa đông, có nghĩa là họ phải cắt giảm nhu cầu tương ứng để vượt qua quãng thời gian mà người dân cần sưởi ấm nhất trong năm.
“Tình hình sẽ vẫn rất mong manh”, Cuneyt Kazokoglu, chuyên gia về kinh tế năng lượng tại công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường FGE, nhận xét. “Khi thời tiết bắt đầu trở lạnh, tiêu thụ khí đốt hộ gia đình ở Đức đã tăng vọt vào cuối tháng 9, lên mức cao nhất kể từ tháng 3, trong khi nhu cầu cao hơn khoảng 14% so với mức trung bình giai đoạn 2018-2022. Điều này đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng”.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và cũng là một trong những nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất châu lục, chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thực trạng nguồn cung bị gián đoạn. Đức đặc biệt tích cực trong nỗ lực xây dựng những kế hoạch bảo vệ các ngành công nghiệp và người tiêu dùng của mình.
Mọi hy vọng về việc dòng chảy khí đốt qua Nord Stream được nối lại đã tiêu tan vào tháng trước, khi hệ thống đường ống bị rò rỉ ở 4 điểm, nghi do phá hoại.
Các quốc gia châu Âu cho biết họ đang cố gắng tăng cường an ninh cho các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng sau các vụ nổ làm hư hỏng đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Tình trạng còn có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Moskva hiện thực hóa lời đe dọa của mình, trừng phạt công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine, đóng cửa một trong những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga đến châu Âu, giới quan sát đánh giá.
Châu Âu đang tăng cường nhập khẩu LNG và mở rộng các cơ sở hạ tầng cần thiết để xử lý chúng, nhưng họ phải cạnh tranh với các khách hàng khác trên thị trường toàn cầu. Tình thế cạnh tranh có thể trở nên gay gắt hơn nếu nhu cầu LNG tăng lên ở châu Á, khiến giá khí đốt tiếp tục tăng.
Giá khí đốt đã giảm từ mức đỉnh khi Nga mới phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, song giá bán buôn khí đốt Hà Lan, tiêu chuẩn của châu Âu, vẫn cao hơn khoảng 80% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Theo Wayne Bryan, người đứng đầu ban nghiên cứu khí đốt châu Âu tại Refinitiv, nhà cung cấp toàn cầu về cơ sở hạ tầng và dữ liệu tài chính, ngay cả khi có thêm nguồn cung LNG, châu Âu cũng khó có thể bù đắp được lượng khí đốt Nga đã mất.
Refinitiv ước tính khu vực Tây Bắc Âu, trong đó có Đức, có thể phải nhập khẩu thêm 18 tỷ mét khối LNG trong mùa đông này, đưa tổng lượng nhập khẩu lên 52 tỷ mét khối trong năm nay, cao hơn 5,5% so với năm ngoái.
Nguồn khí đốt qua đường ống cũng đã tăng lên từ Azerbaijan, Bắc Phi và Na Uy, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với những gì Nga từng cung cấp cho khu vực.
Các đường ống Nord Stream có thể vận chuyển tới 110 tỷ mét khối một năm và sẽ đáp ứng hơn 30% nhu cầu khí đốt của châu Âu nếu hoạt động hết công suất, theo Bank of America.
Hiện tại, Nga chỉ cung cấp khoảng 86 triệu mét khối mỗi ngày cho Tây Bắc Âu thông qua ngả Ba Lan và Ukraine, giảm 76% so với mức trung bình 360 triệu mét khối/ngày của năm ngoái, các nhà phân tích từ Bernstein cho hay.
Theo số liệu từ Bernstein, nếu nguồn cung tiếp tục duy trì ở mức hiện tại, châu Âu sẽ thiếu hụt 155 triệu mét khối/ngày, dựa trên nhu cầu trung bình 930 triệu mét khối/ngày trong giai đoạn 2017-2021.
Các nước EU đã đồng ý giảm tiêu thụ khí đốt 15%, tương đương 50 tỷ mét khối khí đốt, trong mùa đông này. Nếu họ đạt được mục tiêu đó, mức lưu trữ sẽ đạt khoảng 55 tỷ mét khối khi mùa đông kết thúc. Việc bổ sung kịp thời cho mùa đông năm sau sẽ rất phức tạp do thiếu nguồn cung từ Nga, chuyên gia lưu ý.
Một rủi ro đặt ra là khi nguồn cung năng lượng cạn kiệt, nhu cầu sẽ không giảm tương xứng. Giá khí đốt quá cao khiến nhiều nhà máy nhôm, thép và amoniac của châu Âu phải đóng cửa, giúp giảm nhu cầu về khí đốt công nghiệp, nhưng tiêu thụ của các hộ gia đình vẫn quá cao, Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (FNA) cảnh báo.
Một vấn đề khác là các nhà máy hạt nhân già cỗi cùng những khó khăn trong việc làm mát các lò phản ứng trong đợt hạn hán hồi mùa hè đã làm giảm sản lượng năng lượng nguyên tử của Pháp, dẫn đến hàng loạt hệ lụy không mong muốn.
Refinitiv ước tính nhu cầu khí đốt để vận hành các nhà máy điện ở Pháp năm nay có thể cao hơn 30% so với năm ngoái.
Anh, quốc gia có thể nhập khẩu điện từ châu Âu, cũng đã cảnh báo nguy cơ phải cắt điện luân phiên trong mùa đông này.
Các nhà phân tích cho rằng châu Âu chỉ có thể thoải mái hơn về nguồn cung năng lượng sau vài mùa đông khó khăn nữa.
Francisco Blanch, nhà phân tích tại Bank of America, ước tính nỗ lực bình thường hóa giá khí đốt ở châu Âu có thể mất 5-10 năm. “Trong thời gian đó, châu Âu sẽ tiếp tục phải trả thêm tiền mua khí đốt và cầu nguyện cho thời tiết ấm hơn”, ông nói.