Trung Quốc xây cáp ngầm ở Hoàng Sa – Việt Nam

Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 11/6, về việc Trung Quốc xây cáp ngầm nối các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Mọi hoạt động liên quan đến hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị. Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở Biển Đông, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Dữ liệu theo dõi hàng hải cho thấy tàu Tian Yi Hai Gong rời Thượng Hải ngày 28-5 và tiến thẳng về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc ngang ngược dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp. Các hình ảnh vệ tinh sau đó cho thấy nó đang rải dây cáp nối đảo Cây, đảo Bắc và đảo Phú Lâm – nơi có nhiều binh sĩ Trung Quốc đồn trú trái phép ở Hoàng Sa. Ngày 5-6, dữ liệu hàng hải cho thấy con tàu đi về phía tây nam và ghé các đảo Ba Ba, Duy Mộng.

Đọc Thêm:  Nghiên cứu tại Anh chứng minh vắcxin COVID-19 hiệu quả ngay ở mũi đầu

Không có hình ảnh tàu Trung Quốc trong những ngày này nhưng hải trình đi lại giữa các đảo này y hệt như lúc con tàu đang rải cáp để nối đảo Cây, đảo Bắc với đảo Phú Lâm.

James Kraska, giáo sư tại Đại học hải chiến Mỹ, đã đặt ra hai khả năng. Hoặc là Trung Quốc đang muốn xây dựng hệ thống liên lạc quân sự được mã hóa nối từ đất liền ra các thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Giả thuyết còn lại, theo ông Kraska, đây là một hệ thống sonar thụ động của quân đội Trung Quốc được dùng để phát hiện các hoạt động của tàu ngầm đối phương. Hệ thống này có thể tương tự hệ thống SOSUS của hải quân Mỹ dùng để lắng nghe độ ồn của tàu ngầm kẻ thù từ đó tìm điểm yếu để khắc chế.

Tại cuộc họp báo, phóng viên cũng đề nghị Bộ Ngoại giao bình luận về việc ngày 3/6, Mỹ có công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, nêu tại công hàm CML/14/2019 nhưng không có bình luận về yêu cầu của Malaysia về thềm lục địa.

Đọc Thêm:  15 tỷ phú nước Anh mất hơn 16 tỷ USD vì Covid-19

Về vấn đề này, bà Lê Thị Thu Hằng nói: Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua có nhiều quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là phương thức thường làm của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc.

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả về chủ quyền,quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nói rõ nhiều lần.

Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS 1982.

Cộng đồng quốc tế cũng như Liên Hợp Quốc coi trọng việc các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc có quan điểm đề cao, thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.