Mỹ có suy thoái khi GDP giảm 2 quý liên tiếp?

Số liệu GDP đang thổi bùng cuộc tranh luận liệu Mỹ có suy thoái hay không, khi GDP giảm nhưng việc làm và tiêu dùng vẫn ổn định.

Số liệu ước tính sơ bộ vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy GDP nước này giảm 0,9% trong quý II. Quý trước đó, GDP Mỹ đã giảm 1,6%.

Báo cáo này đang làm dấy lên cuộc tranh luận về chu kỳ kinh tế Mỹ hiện tại. Vì trên lý thuyết, một nền kinh tế sẽ được cho là suy thoái nếu tăng trưởng âm 2 quý liên tiếp. Tuy nhiên, quyết định chính thức về tình trạng của Mỹ có thể phải chờ đến vài tháng nữa.

Đây là nhiệm vụ của Cục Nghiên cứu kinh tế Quốc gia (NBER). NBER thành lập năm 1920, là một tổ chức nghiên cứu tư nhân dưới sự lãnh đạo của các nhà kinh tế hàng đầu tại Mỹ. Tổ chức này không khẳng định suy thoái theo định nghĩa 2 quý giảm GDP liên tiếp.

Người Mỹ mua sắm trong một siêu thị ở Missouri. Ảnh: Reuters
Người Mỹ mua sắm trong một siêu thị ở Missouri. Ảnh: Reuters

Thay vào đó, NBER định nghĩa tình trạng này là “sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên khắp cả nước, kéo dài hơn vài tháng”. Trên thực tế, từ năm 1984, cứ mỗi lần GDP Mỹ giảm ít nhất 2 quý liên tục, NBER sau đó đều tuyên bố suy thoái.

Tuy nhiên, GDP không phải yếu tố chính khiến họ đưa ra kết luận này. Tháng 6/2020, không cần chờ GDP quý II, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) khẳng định Mỹ đã suy thoái từ tháng 2.

“Mức độ suy giảm chưa từng có tiền lệ trong lao động và sản xuất, diễn ra với quy mô lớn trên toàn nền kinh tế, cho thấy giai đoạn này chính là suy thoái, dù nó có vẻ sẽ ngắn hơn các đợt trước”, NBER cho biết trong thông báo khi đó. Kinh tế Mỹ năm 2020 lao dốc nhanh đến mức NBER không chần chừ trong việc công bố suy thoái. Đây là động thái hoàn toàn trái ngược so với các lần trước, khi cơ quan này thường chờ đến cả năm sau khi hầu hết mọi người đều biết mới công bố.

Lần này, giới phân tích cho rằng NBER sẽ tiếp tục khiến mọi người ngạc nhiên. Gần như không nhà kinh tế nổi tiếng nào dự báo NBER sẽ công bố Mỹ suy thoái trong nửa đầu năm 2022.

Đọc Thêm:  Anh nói Nga có thể chiếm thêm hai thị trấn ở Donbass

“Chúng ta không suy thoái trong nửa đầu năm. Nhưng rủi ro việc này diễn ra vào cuối năm đang tăng lên”, Mark Zandi – kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định. Ông giải thích thị trường lao động tốt, với việc nền kinh tế tạo thêm hơn 450.000 việc làm mỗi tháng trong năm nay, là nguyên nhân chính NBER sẽ không tuyên bố suy thoái.

“Chúng ta đang tạo ra nhiều việc làm. Tỷ lệ sa thải thấp kỷ lục. Tiêu dùng, đầu tư vẫn tích cực. Tôi không cho rằng họ sẽ thông báo điều này đâu”, ông nói.

Hôm 27/7, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng cho biết ông không nghĩ rằng nước này đang suy thoái. “Những gì đang diễn ra có vẻ không giống một cuộc suy thoái. Thị trường lao động đang gửi đi tín hiệu tốt về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ”, ông giải thích.

Theo thông tin trên website của NBER, tổ chức này sử dụng 6 yếu tố sau để đánh giá về chu kỳ kinh tế Mỹ: thu nhập thực của cá nhân, báo cáo việc làm phi nông nghiệp, tình hình việc làm theo khảo sát hộ gia đình của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chi tiêu tiêu dùng thực của cá nhân, doanh số bán buôn – bán lẻ đã điều chỉnh theo biến động giá, và sản lượng công nghiệp.

“Quyết định một nền kinh tế có suy thoái hay không là việc không dễ dàng. Đây không chỉ là vấn đề suy thoái kéo dài trong bao lâu, mà còn là mức độ và quy mô tác động của nó với nền kinh tế”, Tim Quinlan – nhà kinh tế học tại Wells Fargo cho biết.

Sau báo cáo GDP hôm qua, Quinlan nói rằng tình hình tại Mỹ đang dần tiến tới các tiêu chuẩn đánh giá của NBER. “Tiêu dùng tại Mỹ vẫn đang tăng và thị trường việc làm vẫn ổn định. Còn quá sớm để nói rằng chu kỳ tăng trưởng đã chấm dứt. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi”, ông cho biết.

Đọc Thêm:  Giám đốc WHO 'tin rằng Covid đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm'

Việc xác định Mỹ có suy thoái hay không cũng là vấn đề chính trị quan trọng. Tuần trước, Nhà Trắng khẳng định nền kinh tế không suy thoái. Trong bài đăng trên website, họ đưa ra các số liệu từ “thị trường việc làm, tiêu dùng, đầu tư, sản xuất công nghiệp và thu nhập” để kết luận “kể cả nếu GDP quý II giảm nữa cũng không thể là tín hiệu suy thoái”.

Trong một cuộc họp báo hôm 28/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng khẳng định: “Chúng ta đang chứng kiến tăng trưởng giảm mạnh. Tuy nhiên, một cuộc suy thoái thực sự tức là cả nền kinh tế yếu đi trên diện rộng. Đó không phải là điều đang diễn ra”.

Trong khi đó, những người chỉ trích thì cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đang cố gắng thay đổi định nghĩa lâu nay về suy thoái. Số liệu GDP hôm qua vì thế sẽ càng khiến ông Biden thêm đau đầu

“Giới chức đang tự làm khó mình khi cố giải thích vì sao Mỹ không suy thoái. Tuy nhiên, họ nói cũng đúng”, Seema Shah – chiến lược gia toàn cầu tại Principal Global Investors nhận định, “Dù 2 quý GDP giảm liên tiếp là định nghĩa trên lý thuyết, nhiều dữ liệu kinh tế khác lại không cho thấy sự giảm sút”.

Dù vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng kể cả nếu NBER không tuyên bố Mỹ suy thoái nửa đầu năm, nền kinh tế này cũng còn lâu mới thoát được khó khăn. Lãi suất tăng, lạm phát dai dẳng và tâm lý tiêu dùng, đầu tư đi xuống là các rủi ro lớn phía trước.

“Tâm lý của mọi người hiện rất tiêu cực. Nói chung thì suy thoái là sự mất niềm tin. Người tiêu dùng mất niềm tin rằng họ sẽ có việc làm. Doanh nghiệp thì mất niềm tin rằng họ sẽ bán được sản phẩm. Rủi ro suy thoái thời gian tới vẫn rất cao”, Zandi kết luận.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.