Vai trò của pháo phòng không trên chiến trường Ukraine

Pháo phòng không đời cũ được các bên tham chiến ở Ukraine tận dụng để đối phó mục tiêu như UAV, thay vì dùng tên lửa đắt đỏ.

Bầu trời Ukraine đang trở thành nơi ganh đua về công nghệ giữa các loại tên lửa hành trình dẫn đường tầm xa và tên lửa đạn đạo Nga với các tổ hợp phòng không hiện đại được phương Tây cung cấp cho Kiev. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa các loại pháo phòng không đời cũ không còn hiệu quả.

Lực lượng Nga và Ukraine đều nhận ra rằng họ cần nhiều hệ thống phòng không, trong đó có pháo phòng không công nghệ thấp, để đối phó với tiêm kích, trực thăng, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình trên bầu trời.

Binh sĩ Ukraine ngồi trên pháo phòng không ZU-23-2 tại thủ đô Kiev ngày 3/3. Ảnh: AFP.
Binh sĩ Ukraine ngồi trên pháo phòng không ZU-23-2 tại thủ đô Kiev ngày 3/3. Ảnh: AFP.

Trong Thế chiến II, một nửa oanh tạc cơ của quân Đồng minh có thể bị Đức bắn hạ bằng pháo phòng không Flak 88 mm. Tới những năm 1950, tiêm kích tốc độ cao ra đời với tầm bay cao khiến pháo và súng phòng không trở nên ít hữu dụng hơn so với tên lửa, vốn có thể bay với vận tốc Mach 4, nhanh gấp 4 lần tốc độ âm thanh, và đạt độ cao tới 30.000 m.

Tuy nhiên, trong chiến tranh hiện đại, đặc biệt là trên chiến trường Ukraine, UAV đang nổi lên như một mối đe dọa đáng gờm với các bên giao tranh. Lực lượng Nga gần đây sử dụng UAV tự sát cùng tên lửa hành trình để tập kích các thành phố và nhà máy điện của Ukraine. Trong khi đó, Ukraine cũng sử dụng UAV để theo dõi xe tăng và pháo của Nga, cũng như tập kích đối phương.

Đọc Thêm:  Các nước EU đồng loạt triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19

Sử dụng tên lửa phòng không tầm xa, cỡ lớn và đắt tiền để diệt UAV cỡ nhỏ được coi là giải pháp tốn kém. Trong khi đó, các lực lượng quân sự ngày càng sử dụng nhiều tên lửa hành trình độ chính xác cao nhưng tốc độ chậm, cũng như máy bay bay thấp, khiến pháo phòng không một lần nữa trở nên cần thiết.

Nick Reynolds, chuyên gia tác chiến trên bộ của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định “pháo phòng không đã bị đánh giá quá thấp, dù đây là loại vũ khí không bao giờ nên bỏ qua trong các cuộc xung đột”.

Nghiên cứu về các biện pháp Ukraine cần để đối phó UAV tự sát của Nga do viện RUSI công bố, trong đó Reynolds là đồng tác giả, kêu gọi các nước phương Tây chuyển cho Ukraine thêm pháo phòng không tự hành như tổ hợp Gepard của Đức, cũng như các hệ thống tên lửa phòng không vác vai tầm ngắn như FIM-92 Stinger của Mỹ.

Đọc Thêm:  Lo ngại biến thể nCoV ở Nam Phi kháng vaccine

“Nhìn chung, các hệ thống pháo nên được ưu tiên hơn tên lửa do chi phí mỗi lần khai hỏa thấp hơn nhiều, cũng như đạn của chúng sẵn có hơn so với tên lửa phòng không thông thường và vác vai”, báo cáo nhận định.

Theo Reynolds, pháo Gepard của Đức, được triển khai lần đầu vào những năm 1970, “đạt hiệu quả cao” trong tiêu diệt UAV hơn so với những pháo phòng không mà Nga và Ukraine đang sử dụng. Các tổ hợp AZP S-60 57 mm được sản xuất từ những năm 1940-1950, hay ZSU-23-4 Shilka 23 mm, khó đối phó hơn với UAV có kích thước nhỏ như Shahed-136.

Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 8 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.
Cục diện chiến trường Ukraine sau hơn 9 tháng giao tranh. Đồ họa: WP.

RUSI đánh giá pháo phòng không có thể kết hợp với các loại vũ khí tinh vi hơn nhằm tạo lưới hỏa lực nhiều tầng, giúp tăng khả năng hạ mục tiêu trên không của đối phương.

“Tên lửa phòng không tầm xa và tầm trung hoạt động hiệu quả nhất khi kết hợp với những khẩu pháo phòng không mạnh mẽ có thể tấn công bất cứ máy bay nào bay thấp để tránh mối đe dọa ở tầm cao hơn”, chuyên gia Reynolds nhận định.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.