Diễn biến tình hình dịch Covid – 19

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 92.837 trường hợp nhiễm COVID-19 và 5.557 ca tử vong. Brazil đang có nguy cơ trở thành một ‘điểm nóng” mới, trong khi đại dịch tiếp tục xu thế giảm dần trên thế giới, với nhiều nước bắt đầu nới lỏng các hạn chế.

tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 3.394.965 ca trong đó có 239.302 người đã tử vong.

Dịch bệnh đến nay đã xuất hiện và lây lan ở 212 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 1.079.298 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, trong khi còn 51.332 người trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, với 1.128.555 ca mắc bệnh và 65.668 ca tử vong. Xếp sau Mỹ vẫn là các quốc gia châu Âu, gồm Tây Ban Nha với 242.988 ca mắc COVID-19 và 24.824 ca tử vong. Tiếp đó là Italy – với 207.428 ca mắc COVID-19 và 28.236 ca tử vong. Anh hiện có 177.454 ca mắc COVID-19, trong đó có 27.510 ca tử vong, tiếp đó là Pháp với 167.346 ca mắc và 24.594 ca tử vong, Đức là 164.077 ca mắc và 6.736 ca tử vong.


Một khu nghĩa trang mới được lấp kín chỗ bởi bệnh nhân tử vong vì Covid-19 tại Brazil

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 1/5 tuyên bố dịch COVID-19 vẫn là “tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế” (PHEIC), khi mà bệnh lây lan ngày càng rộng tại các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém. Theo ông Tedros, WHO sẽ “tiếp tục phối hợp với các quốc gia và đối tác để cho phép hoạt động đi lại thiết yếu, cần thiết cho công tác ứng phó với đại dịch, cứu trợ nhân đạo và vận chuyển hàng hóa, cũng như để các nước có thể dần nối lại hoạt động đi lại thông thường của hành khách.

Đọc Thêm:  WHO: Khẩu Trang Y Tế Không Thể Đẩy Lùi VI-RÚT Covid-19
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Rome, Italy

Mỹ cho phép sử dụng khẩn cấp Remdesivir điều trị COVID

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ngày 1/5 đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp thuốc Remdesivir để điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 nặng nhất. FDA chỉ định loại thuốc này có thể được sử dụng cho cả người lớn và trẻ em bị nghi ngờ hoặc được xác nhận chẩn đoán COVID-19 ở tình trạng nặng với nồng độ oxy trong máu thấp hoặc có thể đang thở máy. “Không có phương pháp điều trị thay thế đầy đủ, được phê duyệt hoặc có sẵn, những lợi ích đã biết và tiềm năng để điều trị loại virus đe dọa tính mạng này hiện vượt xa những rủi ro đã biết và tiềm ẩn của việc sử dụng thuốc”, FDA viết trong thông cáo báo chí.

Dây chuyền sản xuất thuốc Remdesivir tại Mỹ. 

Số ca tử vong tại châu Âu vượt ngưỡng 140.000 người

Theo số liệu của hãng tin AFP tổng hợp từ các nguồn chính thức tính tới 0 giờ 40 phút ngày 2/5 (giờ Hà Nội), số ca tử vong do COVID-19 tại châu Âu đã vượt ngưỡng 140.000 người. Châu Âu là lục địa chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 1.495.293 ca mắc bệnh và 140.096 ca tử vong trong số 234.987 người tử vong vì dịch bệnh trên khắp thế giới.

Các nước châu Âu có số ca tử vong lớn nhất do COVID-19 là Italy với 28.236 người, tiếp đến là Anh, Tây Ban Nha và Pháp với số người tử vong ở mỗi nước lần lượt là 27.510, 24.824 và 24.594 ca.

Đội ngũ nhân viên Dịch vụ y tế quốc gia Vương quốc Anh (NHS) vỗ tay cảm ơn người dân khi đã dành sự cổ vũ cho họ trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Reading, Anh

Nga: Ngày có nhiều ca mắc COVID-19 mới cao kỷ lục

Đọc Thêm:  Trẻ sơ sinh có thể thừa hưởng kháng thể COVID-19 từ mẹ

Tại Nga, ngày 1/5 nước này ghi nhận 7.933 người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại toàn bộ 85 chủ thể liên bang trong vòng một ngày, mức cao nhất trong ngày từ trước tới nay, đẩy tổng số ca mắc COVID-19 lên 114.431 người.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Moskva, Nga

Sau châu Âu, Mỹ Latinh đối mặt cơn “sóng thần” COVID-19

Tính đến 6 giờ sáng 2/5 (giờ VN), Brazil ghi nhận 92.202 ca mắc COVID-19 và 6.412 ca tử vong. Trước đó, nước này đã trải qua ngày 30/4 với kỷ lục về số ca nhiễm virus mới với 7.218 ca.

Chôn cất người tử vong do COVID-19 trong mộ tập thể ở Manaus, Brazil

Ấn Độ kéo dài thêm 2 tuần phong toả sau ngày 4/5

Tối 1/5, Bộ Nội vụ Ấn Độ (MHA) đã ban hành chỉ thị tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa thêm 2 tuần sau ngày 4/5, trong bối cảnh số bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này đã tăng lên 35.365 ca với 1.152 trường hợp tử vong.

Đông Nam Á: Singapore chưa sớm kiểm soát dịch

Trong vòng 24 giờ qua, Singapore ghi nhận số ca mắc COVID-19 là 932 ca, tăng vọt so với ngày 30/4 (với 528 người). Trước tình hình lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp, và tổng số ca nhiễm đã là 17.101 người, giới chức Singapore thừa nhận diễn biến dịch trong đối tượng lao động nhập cư tiếp tục là một thách thức và sẽ phải mất vài tuần nữa mới có thể kiểm soát được.

Trong số các ca mắc COVID-19, khoảng 90% số ca nhiễm là lao động nước ngoài. Hiện tại, đã có 38/43 khu nhà ở tập thể của lao động nước ngoài được coi là ổ dịch. Ngoài ra, có 20/1.200 khu nhà ở nhỏ khác đã xuất hiện dịch bệnh.

Một khu nhà ở của người lao động nước ngoài tại Singapore

Thái Lan đã 5 ngày liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới theo ngày ở mức 1 chữ số. Tính đến ngày 1/5, tại nước này có tổng cộng 2.960 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 54 trường hợp tử vong. Đại học Prince of Songkla (PSU) của Thái Lan đang phát triển các bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 có thể cho kết quả trong 15 phút dựa trên kỹ thuật sắc ký miễn dịch. Bộ xét nghiệm này sử dụng nguyên lý sắc ký miễn dịch để phát hiện các kháng thể IgM và IgG mà hệ miễn dịch của người bị nhiễm COVID-19 sản sinh ra.

Các cửa hàng bán đồ ăn bên ngoài trung tâm thương mại và quầy hàng rong trên đường phố sẽ được phép hoạt động trở lại từ 3/5
Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.