Hệ thống tác chiến điện tử được ví như “sát thủ vô hình” của Nga giảm hiệu quả ở Ukraine vì gây nhiễu chính khí tài của họ, theo viện nghiên cứu RUSI của Anh.
Trong giai đoạn đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, quân đội Nga phát huy tối đa ưu thế về tác chiến điện tử, gây nhiễu và làm gián đoạn các nỗ lực trinh sát, liên lạc giữa chỉ huy với binh sĩ Ukraine, khiến các thiết bị chỉ thị mục tiêu cho pháo binh hoạt động không chính xác.
Không chỉ gây nhiễu, các khí tài tác chiến điện tử của Nga còn được ví như “sát thủ vô hình” trên chiến trường, bởi mỗi khi binh sĩ Ukraine bật nguồn điện thoại di động, sử dụng thiết bị điều khiển máy bay không người lái (UAV) hay radar phản pháo đều có nguy cơ hứng chịu một trận pháo kích hay tập kích tên lửa.
Tác chiến điện tử được định nghĩa là hoạt động chuyên nhằm vào hệ thống thông tin liên lạc, định vị và dẫn đường của đối phương, nhằm xác định vị trí, làm mù, đánh lừa đối phương hoặc hỗ trợ tung đòn tập kích trực tiếp. Loại hình tác chiến thầm lặng này được áp dụng để chống lại pháo binh, tiêm kích, tên lửa hành trình, UAV của đối phương cũng như bảo vệ lực lượng.
Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cho hay Nga đã phải giảm đáng kể hoạt động của các khí tài tác chiến điện tử, do phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng: “Sát thủ vô hình” của họ cũng gây nhiễu chính các khí tài liên lạc của đồng đội.
Theo RUSI, tình trạng “quân ta chống lại quân mình” trong tác chiến điện tử trở nên nghiêm trọng tới mức Nga buộc phải ngừng hoạt động gây nhiễu, làm gián đoạn thông tin liên lạc của Ukraine.
Chiến dịch gây nhiễu ban đầu của Nga gây ảnh hưởng diện rộng và chứng minh cho khoản đầu tư lớn của nước này vào tác chiến điện tử. Trong nhiều năm, Lầu Năm Góc lo ngại Mỹ thua xa Nga về năng lực tác chiến điện tử, vốn có thể làm gián đoạn mạng lưới liên lạc rộng lớn cho phép các quân chủng Mỹ tác chiến phối hợp với nhau.
Nick Reynolds, đồng tác giả báo cáo mới nhất của RUSI, nhận định “các tổ hợp tác chiến điện tử của Nga được chứng minh là cực kỳ hiệu quả”. Đợt tác chiến điện tử đầu tiên của Nga nhằm vào Ukraine dường như khiến Lầu Năm Góc lo ngại.
“Trong tuần đầu tiên, thiết bị gây nhiễu và mồi nhử trên không E-69M của lực lượng tác chiến điện tử Nga đã phát huy hiệu quả trong làm gián đoạn các tổ hợp phòng không của Ukraine”, theo báo cáo của RUSI.
Hoạt động gây nhiễu của Nga khiến các khẩu đội tên lửa S-300 và Buk của Ukraine ở phía bắc thủ đô Kiev tê liệt. Điều này tạo điều kiện cho Nga tiến hành các đợt tập kích quy mô lớn bằng tên lửa hành trình và đạn đạo nhằm vào radar tầm xa, cũng như các khẩu đội phòng không của Ukraine.
Hệ thống phòng không Ukraine bị tấn công dữ dội tới mức các tiêm kích MiG-29 và Su-27 phải đảm nhận vai trò chính trong nhiệm vụ bảo vệ không phận, dù chúng bị áp đảo về số lượng so với chiến đấu cơ Nga.
Tuy nhiên, RUSI cho biết trong thời gian đó, binh sĩ Nga trên mặt đất cũng liên tục báo cáo tình trạng họ không thể liên lạc hiệu quả với nhau. “Mối đe dọa từ việc gián đoạn liên lạc với lực lượng Nga lớn đến mức họ phải thu hẹp đáng kể hoạt động tác chiến điện tử sau hai ngày hoạt động”, báo cáo của RUSI có đoạn.
Việc Nga giảm cường độ tác chiến điện tử đã giúp Ukraine có thời gian sửa chữa hoặc điều chỉnh hệ thống radar quan trọng, khôi phục năng lực của các tổ hợp phòng không.
“Trong tuần đầu tiên của tháng 3, các tổ hợp phòng không Ukraine bắt đầu gây ra tổn thất đáng kể cho những cuộc xuất kích của máy bay Nga”, RUSI đánh giá.
Viện nghiên cứu Anh nhận định thất bại trong chiến dịch gây nhiễu của Nga không phải vì chất lượng của các tổ hợp tác chiến điện tử, mà do các chỉ huy “lập kế hoạch kém, thiếu phối hợp và không quan tâm đến những chi tiết nhỏ” trong quá trình tác chiến.
Nga chưa bình luận về báo cáo của Viện nghiên cứu Anh.
Vai trò của gây nhiễu tại Ukraine phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của tác chiến điện tử trong chiến sự hiện đại, khi tín hiệu vô tuyến, cảm biến hồng ngoại và radar theo dõi đối phương, cũng như hệ thống liên lạc giữa các đơn vị bạn rất quan trọng trong tác chiến hiệp đồng.
Hoạt động gây nhiễu đã được sử dụng phổ biến từ kể từ khi radar phòng không ra đời. Từ những năm 1940, các máy bay đã rải những dải sợi nhôm để đánh lừa radar đối phương.
Các tổ hợp tác chiến điện tử ngày nay phức tạp hơn. Tổ hợp Krasukha-4 của Nga có thể gây nhiễu tín hiệu vệ tinh, cũng như radar giám sát và vũ khí dẫn đường từ khoảng cách hơn 160 km. Tổ hợp Borisoglebsk-2 có thể gây nhiễu các hệ thống dẫn đường của UAV và tín hiệu vô tuyến kích nổ mìn có điều khiển.
“Tuy nhiên, những gì diễn ra tại Ukraine dường như cho thấy năng lực tác chiến điện tử cao không đồng nghĩa với lợi thế trên chiến trường. Cuộc đua giữa tác chiến điện tử và các biện pháp đối phó vẫn tiếp diễn”, biên tập viên Michael Peck của Business Insider nhận định.