Nói về đứa con vừa gặp nạn, ông Trung với đôi mắt vô hồn nói: “Thằng nhỏ hiền lắm, chơi ở xóm có khi bị mấy đứa nhỏ tuổi hơn ăn hiếp, cháu chỉ chạy về nói với ba mẹ. Cháu nó vắn số, không thể ở lâu với mình…”. Mẹ cháu Kiên vừa sinh con được 3 ngày, nên khi hay tin rất sốc, nằm vật vờ suốt 2 ngày qua. Kể về con, mẹ cháu nấc nghẹn: “Hôm trước, Kiên còn đập heo đất được hai triệu mấy gửi vào bệnh viện cho mẹ, dặn chăm em cho kỹ. Vậy mà hôm nay con mãi rời xa cha mẹ”.
21h, Kiên gấp trang vở lại, nó mượn điện thoại của bố gọi điện cho mẹ. Bên kia, mẹ nó vừa quay video mặt em bé mới chào đời, vừa nói chuyện với Kiên: “Học xong bài chưa? Em ngủ rồi nè! Nhớ em hông? Hay bảo bố chở lên đây chơi với mẹ. Anh Hai mới có gặp em có một lần à…”.
Kiên chần chừ mãi. Một lúc, nó nũng nịu với mẹ: “Con còn ôn bài để thi học kỳ nữa. Thôi, thứ 7, bố rảnh, con lên thăm mẹ sau nghen!”. Nói rồi, 2 mẹ con quay sang nhìn cu cậu mới sinh, tủm tỉm cười.
Đã 12 năm rồi, từ khi có Kiên, chị Hoàng Thị Hương (35 tuổi) mới quyết định sinh thêm đứa con thứ 2. Nhà chị nghèo lắm! Nghèo tới nỗi cả cái hẻm 18 Trần Quang Diệu (Q.3, TP.HCM) ai cũng biết chị nghèo. Chị đi lau phụ việc nhà, chồng thì chạy xe ôm. 12 năm họ sống trong nhà cấp 4 của mẹ chồng, chẳng phòng chẳng vách.
Mấy lần anh Trung bảo vợ: “Hay vợ chồng mình sinh thêm đứa thứ 2 đi”, nhưng Hương gạt ngang: “Thôi, lo cho Kiên đã, sau này khi nào con lớn rồi tính sau…”.
“Năm trước, Kiên lên 11 tuổi, nó bắt đầu thích có em. Thấy thế vợ chồng chị quyết định sinh em bé…” – chị Hương kể.
Đêm 23/5, chị lâm bồn ở BV Từ Dũ. Được hơn hôm, chị xin ra viện, thuê căn nhà nhỏ bên Nguyễn Sỹ Sách (Q. Tân Bình, TP.HCM) để chăm con, tiền tháng 2 triệu rưỡi mới đóng được vài ngày. “Nhà mẹ chồng chị nhỏ quá, không đủ chỗ cho con…”.
Mấy hôm mẹ ở viện, Kiên chỉ được thăm em, nắm tay em một lần. Hôm thứ 2, nó đi học trở lại, hứa cuối tuần sẽ sang nhà trọ thăm mẹ. Chẳng ai ngờ, đêm 25/5, lời hứa “thứ 7 ôn thi xong, con sẽ sang thăm mẹ” – bây giờ mãi mãi không bao giờ thực hiện được.
Nỗi đau khiến người mẹ trẻ gục đầu bên cạnh bàn, liên tục khóc nấc. “Nó còn đẹp thế kia… Còn đang ngủ ngon lành thế kia… Tại sao lại có thể ra đi được chứ?”
6h sáng, anh Nguyễn Duy Trung (54 tuổi) gọi Kiên dậy. Như thường lệ, mỗi buổi sáng, anh Trung thường chở con đến trường rồi chạy xe ôm kiếm tiền. Nhà cách trường THCS Bạch Đằng (Phú Nhuận, TP.HCM) 400 mét, nhưng 12 năm, anh Trung chưa bao giờ để con trai đi bộ.
“Con muốn sáng nay ăn gì?” – anh hỏi Kiên.
“Con thèm ăn mì Ý quá ba ạ” – thằng bé nhanh nhảu đáp.
“Chỗ nào bán, con chỉ đi, ba mua” – anh nói với con.
Kiên và bố tấp vào một quán lề đường, mua một hộp mì Ý vài chục nghìn rồi vắt vẻo trên chiếc xe máy vui vẻ tới trường. Tới cổng trường, thằng bé con quay sang mỉm cười, vẫy tạm biệt cha.
7h sáng, anh trở về, tấp vào tiệm mua ly cà phê. Bên kia điện thoại rung lên: “Phụ huynh em Kiên! Cháu bị tai nạn”, giọng cô giáo hốt hoảng. Anh Trung chỉ nghĩ loáng thoáng thằng bé lại chạy nhảy, giỡn đùa với tụi bạn rồi té, chảy máu cái tay, cái chân như bao lần. Vài giây sau, cô giáo bật lên khóc: “Cháu Kiên được chuyển vào bệnh viện An Sinh rồi anh ạ…”. Một linh tính chẳng lành chạy qua khiến anh rơi ly cà phê trên tay. Anh tức tốc chạy xe vào bệnh viện. Từng dòng người đông nghịt đã ở đó từ trước. Những đứa trẻ mặc chiếc áo trắng in logo THCS Bạch Đằng gào khóc trên băng ca. Đứa gãy tay, đứa chảy máu…
“Kiên ơi! Kiên con ơi!” – anh gọi. Lúc sau, dừng lại trước phòng cấp cứu, mưới mấy bác sĩ đang cố gắng ép ngực một đứa trẻ. Nhìn qua lớp cửa kính, thấy con mình, anh Trung chỉ còn biết kêu gào lên: “Kiên ơi, Kiên ơi”.
Vài phút sau, bác sĩ đi ra, lắc đầu. Anh vỡ vụn muôn vàn cảm xúc. “Con trai anh nó còn bình thường lắm. Lúc trong bệnh viện, nó vẫn còn mặc nguyên bộ đồng phục, dưới chiếc chân gãy chỉ có vệt thẹo trầy, khuôn mặt vẫn rất đẹp. Thế mà lúc pháp y tới nhà, họ xoay lưng thì đã có vết bầm bự bằng cả bàn tay. Anh ôm con mà nó chẳng đáp lại lời nào với bố”.
Kiên là 1 trong 13 học sinh của trường THCS Bạch Đằng bị cây phượng đổ, đè lên người sáng ngày 26/5. Và Kiên là ca tử vong trong vụ tai nạn đau thương ấy.
Đứa trẻ mập mạp sáng nay vẫn nhõng nhẽo đòi bố được ăn mì Ý, giờ nằm im lìm trên chiếc giường cũ. Tiếng khóc hoà vào chung đến vỡ nát cả ngôi nhà.
Anh Trung bước ra khỏi phòng cấp cứu như một cái xác không hồn. Bên kia, điện thoại từ vợ vẫn réo lên. “Lúc đó, thực sự anh không biết phải mở lời với chị như thế nào. Anh tính là giấu chị luôn, vì chị vừa mới sinh thôi, biết thêm chị sẽ không sống được mất” – anh chia sẻ.
Lúc sau, anh Trung bắt máy, đầu dây bên kia, chị Hương hỏi dồn dập: “Em nghe trường báo con bị tai nạn, có nặng không anh?”. Anh Trung nấc lên thành tiếng. “Con mất rồi em ạ! Con bị cây đè mất rồi em ạ…”. Hai vợ chồng oà lên khóc qua điện thoại.
Căn nhà trọ trên đường Nguyễn Sỹ Sách hoà chung tiếng khóc của 4 người phụ nữ, một bà ngoại, một mẹ, hai người dì. Chị Hương chẳng còn dám tin những gì mình được nghe từ chồng. Chị vội bỏ đứa con 3 ngày tuổi, đón taxi chạy về nhà với Kiên. Vết thương ở bụng vẫn còn âm ỉ nhưng không thấu bằng nỗi đau trong trái tim người mẹ. Tới cửa, chị gục xuống, sờ khuôn mặt Kiên, khóc nấc: “Nó còn thế kia mà anh, đang nằm ngủ đẹp trai thế kia mà anh”.
Bà Dương Thị Luông (bà Ngoại Kiên) đã không còn đứng vững trước tiếng khóc của con gái. Chị Hiền (37 tuổi, dì bé) đứng bên cạnh, liên tục đỡ mẹ. Bà lão ngoài 70 chưa bao giờ nghĩ có cái ngày người tóc bạc lại tiễn người tóc xanh nhanh như thế.
3 hôm trước, nghe tin con gái sinh, gia cảnh lại khó khăn nên bà quyết định khăn gói lên thành phố chăm cháu. Đêm qua, bà cùng người con đi chuyến xe từ Bình Phước lên Sài Gòn hết 100 nghìn đồng.Sáng sớm nay, vừa lấy lại sức, bà chạy ra bế cháu phụ con thì chị Hương oà lên khóc. Chị quay sang nói với mẹ: “Kiên nó mất mẹ, nó bị cây đè mất rồi”. Cả 4 người phụ nữ ngồi trong nhà trọ oà lên từng khúc.
Cả nhà gửi lại đứa cháu nhỏ, lên xe trở về căn nhà trên đường Trần Quang Diệu. Đến lúc nhìn cháu nằm im lìm ngủ trên giường, bà đã không còn đứng vững. “Tui nói với người ta là lên thành phố để chăm con đẻ, thăm cháu mới sinh. Ai ngờ đâu ngày hôm nay là ngày tôi tiễn cháu tôi đi…”, bà nói rồi khóc.
14h30, cuộc gọi trên di động: “Dì ơi, cháu đói, dì về cho cháu uống sữa…”. Chị Hương không còn đáp lời nào. Giờ đây, đứa con nhỏ vẫn còn bé bỏng trên, đứa lớn đã nằm im lìm trên chiếc giường bệnh – chị chẳng còn biết lựa chọn gì nữa. Anh Trung ôm vợ, nói: “Em về đi. Ở đây, anh sẽ chăm sóc Kiên. Chúng ta còn phải sống vì cả hai. Kiên nó không muốn mẹ nó bỏ em đâu…”. Chị Hương đứng dậy, bước đi.
Người mẹ ôm chiếc bụng đau từ vết mổ, từ từ tiến lại gần con: “Mẹ đi về cho em bú. Mẹ sẽ chăm sóc và thương em bằng cả tình thương của con nữa. Con an tâm nghỉ đi nhé…”, chị đi bằng đôi chân đất.