Trục xuất thanh niên Việt có xe, có tiền, vẫn bảo mình là nô lệ hiện đại

Một người quốc tịch Việt Nam khai rằng mình bị buộc phải chăm sóc các cây cần sa, dù anh ta sở hữu một chiếc xe và có tiền mặt. 

no le hien dai co xe
Tòa án Royal Courts of Justice, London

Một người đàn ông đã khai rằng mình bị các ”băng đảng mafia” ép buộc điều hành một trại cần sa. Lời khai này đã bị các thẩm phán bác bỏ dù Bộ Nội Vụ từng kết luận anh ta là nạn nhân buôn người.

Người đàn ông quốc tịch Việt Nam, được tòa án cho phép ẩn danh, đã bị bắt bên ngoài một ngôi nhà ở Haydock (St Helens, Merseyside) vào đầu năm 2017 khi cảnh sát tiến hành lệnh khám xét.

Ngôi nhà đã được chuyển đổi thành trại cần sa. Cảnh sát tìm thấy 3 điện thoại di động và 700 bảng tiền mặt trên bàn. Lúc này, người đàn ông đang ngồi trên một chiếc xe hơi đậu bên ngoài ngôi nhà, trong túi anh ta có 100 bảng và chìa khóa ngôi nhà. Trong xe còn có 1 con dao.  

Sau đó, người đàn ông khai với cảnh sát mình nhập cư bất hợp pháp vào UK và phải ngủ bờ bụi suốt 5 tháng. Cho đến khi anh ta gặp được một nhóm người đồng ý trả cho anh ta £200/tuần để làm công việc chăm sóc cây.

Nhóm người này cũng cho anh ta một chiếc xe. Anh ta dùng xe này để lái đến McDonald’s 1 lần mỗi tuần để gặp người trả lương cho mình. Anh ta nói mình mới 16 tuổi, nhưng kết quả kiểm tra sau đó cho thấy vào thời điểm bị bắt, anh ta ít nhất cũng phải 19 tuổi.

Anh ta bị bỏ tù 24 tháng vào ngày 24/4/2017 tại tòa án Liverpool Crown Court, sau khi bị kết tội sản xuất cần sa và sở hữu vũ khí. 

Đến tháng 5/2017, Bộ Nội Vụ thông báo sẽ trục xuất anh ta về Việt Nam, nhưng anh ta quyết định nộp đơn xin tị nạn với lý do mình là nạn nhân buôn người. Khi được thẩm vấn, anh ta nói rằng mình đã bị buôn từ châu Âu và UK.

Đọc Thêm:  Cảnh sát đột kích đám cưới 400 khách giữa Covid-19 tại Anh

Tại tòa phúc thẩm, anh ta phủ nhận việc mình bị băng đảng trồng sa bắt làm nô lệ, nhưng nói rằng ”mafia săn lùng tôi” vì bố của anh ta nợ họ một số tiền lớn ở Việt Nam. Anh ta nói mình đã đồng ý làm việc tại UK trong 5 năm để trả hết số nợ.

Vào tháng 4/2018, anh ta được kết luận ”có thể” là nạn nhân buôn người hoặc nô lệ hiện đại. Một cuộc thẩm vấn khác được tiến hành. Lúc này anh ta lại khai: ”Tôi chưa từng nói mình bị buôn người hay bị ép làm nô lệ. Tôi được tự do đi lại… tôi được trả tiền, thức ăn và thức uống được cung cấp”. 

Bộ Nội Vụ 2 lần kết luận không có bằng chứng cho thấy anh ta bị buôn người. Tuy nhiên vào tháng 2/2020, thẩm phán tòa án nhập cư Immigration Tribunal lại chấp nhận đơn xin tị nạn của anh ta. Rồi đến tháng 4/2020, Bộ Nội Vụ xem xét lại quyết định của mình và kết luận, anh ta là nạn nhân buôn người.

Tại phiên tòa Phúc thẩm, luật sư của anh ta đã kháng cáo bản án của anh, nói rằng anh không nên bị truy tố, và anh nên được bảo vệ theo điều 45 (Section 45) của Luật nô lệ hiện đại Modern Slavery Act 2015.

Section 45 nói rằng nếu như bị cáo có thể chứng minh rằng một người bình thường trong hoàn cảnh tương tự sẽ không bao giờ phạm tội như bị cáo đã làm, thì nghĩa là bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vì bị ép buộc. 

Cuối cùng, Thẩm phán McGowan kết luận: ”Bị cáo nói với chúng tôi rằng bị cáo được các băng đảng mafia đưa tới trại cần sa. Bị cáo phải làm việc để trả nợ cho bố, và được hướng dẫn khai man nếu bị bắt. Bị cáo phải nói dối với cảnh sát mình chưa đủ 18 tuổi, và được trả tiền để làm việc”

”Bị cáo nói mình từng cố chạy trốn nhưng bị phát hiện và bắt lại”.  

Đọc Thêm:  Thái tử Anh 'nhận valy tiền từ cựu thủ tướng Qatar'

Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận rằng mình được tự do đi lại, có chìa khóa vào ngôi nhà, có xe để di chuyển và có tiền để tiêu xài. Bị cáo cũng không thể trả lời rõ ràng khi được hỏi ”bố hiện sống ở đâu và chuyện gì đã xảy ra với ông ta”.

Luật sư của bị cáo, ông Ben Douglas-Jones thừa nhận rằng vụ việc này khá phức tạp vì lời khai bất nhất của bị cáo, nhưng nguyên nhân là do bị cáo ”mất niềm tin vào chính quyền”.

Ông Andrew Johnson, đại diện cho bên công tố của Cảnh sát Merseyside thì cho rằng: dù bị cáo có bị buôn người đến UK, nhưng anh ta cũng không bị ép buộc phải trồng cần sa vì anh ta có thể rời đi bất cứ lúc nào. 

Thẩm phán Tòa Phúc thẩm đồng ý với bên công tố, nói rằng trong trường hợp này, Section 45 không thể áp dụng. Thẩm phán McGowan nói rằng: ”Dù chúng tôi có chấp nhận chuyện bị cáo bị buôn người từ Việt Nam, thì điều đó cũng không đồng nghĩa là bị cáo bị ép trồng cần sa ở Anh”.

”Bởi vì vào thời điểm bị bắt, bị cáo có 100 bảng trong người, và có thêm 600-700 bảng trên chiếc bàn trong nhà mà bị cáo có thể lấy bất cứ lúc nào. Bị cáo có chìa khóa nhà, có chiếc xe hơi và giữ 1 con dao trong xe, bị cáo không hề bị ai giám sát”.

”Những bằng chứng này cho thấy bị cáo không giống một người phải tuân thủ lệnh của kẻ khác, càng không giống là nạn nhân buôn người hay nô lệ hiện đại. Dù lý do bị cáo đến UK, hành trình đến UK như thế nào, nhưng ngay trước lúc bị bắt, bị cáo hoàn toàn có thể hành động tự do. Những thông tin mà bị cáo khai hoàn toàn không thể tin được, và không thể giúp giảm tội trạng của bị cáo”.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.