Minnie Katzen Mayer, 36 tuổi, có thói quen trốn dưới gầm bàn ở công ty để trốn ánh sáng từ đèn trần, tiếng ồn hay những tranh luận với đồng nghiệp.
Người phụ nữ đến từ Israel, đang làm việc ở Anh, chia sẻ bức ảnh mình ngồi dưới gầm bàn, hồi tháng 4 năm nay và lập tức trở thành chủ đề thảo luận của hàng chục nghìn người trên mạng xã hội.
“Tôi là một người trưởng thành nhưng thích làm việc dưới gầm bàn, dù ghế công ty khá thoải mái”, Mayer, người làm việc trong lĩnh vực tiếp thị sản phẩm, viết lên trang cá nhân. “Tôi cảm thấy được bình yên khi ngăn cách với thế giới bên ngoài”.
Trên mạng xã hội, đa số bày tỏ sự đồng tình, đặc biệt là nhóm người quen làm việc trực tuyến, nay phải trở lại văn phòng sau hai năm dịch bệnh.
“Điều này rất dễ hiểu, tôi đang vật lộn để tập thích nghi với cuộc sống công sở”; “Mọi người đều cần khoảng yên tĩnh để giải quyết công việc”; “Là một người mắc chứng rối loạn thần kinh tôi thích ý tưởng này. Tôi ghét bị phân tâm bởi tiếng ồn và những thứ xảy ra quanh mình”… một số người viết.
Khảo sát gần đây của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho thấy hơn 56% người thất nghiệp không muốn quay trở lại công việc, hoặc nếu có, cũng yêu cầu được làm việc tại nhà. Trong số những người trên 40 tuổi, 45% cho biết họ muốn tiếp tục làm việc từ xa sau đại dịch, tỷ lệ này là 30% với người dưới 40 tuổi.
Nhưng số khác cho rằng, nữ nhân viên văn phòng có phản ứng thái quá.
Về phía Mayer, cô cảm thấy may mắn khi được cấp trên tạo điều kiện có môi trường làm việc tốt nhất. Đồng nghiệp cũng luôn tôn trọng quyệt định của cô. “Đôi khi họ vẫn nhìn tôi với ánh mắt hiếu kỳ, cũng có nhiều câu hỏi trêu ghẹo. Nhưng phần lớn đều khá thích thú và muốn thử chui dưới gầm bàn giống tôi”, cô cười.