Thí nghiệm khoa học mới chứng minh phóng điện vào đám mây có thể thay đổi kích thước giọt nước, thúc đẩy cơn mưa rơi xuống đất.
Thí nghiệm mới hỗ trợ đám mây bão hòa chuyển thành mưa, Interesting Engineering hôm 4/11 đưa tin. “Điện tích có thể làm chậm quá trình bay hơi và thậm chí khiến các hạt phát nổ do lực điện vượt quá sức căng bề mặt định hình giọt nước”, Giles Harrison, trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư vật lý khí quyển ở khoa khí tượng học của Đại học Reading, Anh, giải thích.
Harrison và cộng sự cho rằng phóng điện vào đám mây có thể giúp giọt nước kết dính với nhau và tích tụ trọng lượng bởi giọt nước trong đám mây lớn hơn giọt sương mù, do đó dễ va chạm hơn. Trong thí nghiệm ở Somerset, Anh, drone bay theo đường vòng tròn ở phương ngang tại khu vực nghiên cứu. Các máy phát điện tích âm và dương được bật luân phiên. Cảm biến quang học trên máy bay theo dõi thay đổi trong bức xạ khả kiến bên dưới. Theo kết quả nghiên cứu, có nhiều giọt nước hình thành hơn khi giải phóng điện tích âm hoặc dương. Khác biệt trong phân bố kích thước giọt nước tạo bởi luồng điện giải thích thay đổi về bức xạ.
Thí nghiệm lần đầu chứng minh phóng điện từ drone có thể cung cấp giải pháp mới để tác động tới đám mây và sương mù mà không tạo ra phụ phẩm hóa học thường thấy ở phương pháp gây mưa nhân tạo (cloud seeding). Nghiên cứu có thể giúp thúc đẩy những đám mây giải phóng mưa ở khu vực khô cằn như Trung Đông và Bắc Phi.
Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ thống kê hơn 50 chương trình theo dõi hoạt động gây mưa nhân tạo tại nước này từ năm 2000. Bang Utah chi tới 700.000 USD mỗi năm vào một sáng kiến tạo mưa. Tuy nhiên, thí nghiệm của Harrison và cộng sự tạo ra giải pháp thay thế gây mưa nhân tạo, khiến cơn mưa diễn ra gần với tự nhiên.