Cuộc đời người đàn ông sống 18 năm tại sân bay

Những năm mắc kẹt ở sân bay Paris của ông Nasseri truyền cảm hứng cho một bộ phim kết thúc có hậu, song câu chuyện đời thực phức tạp hơn nhiều.

Trong nhiều năm qua, những người đến nhà ga số 1 tại sân bay quốc tế Charles de Gaulle ở Paris có thể bắt gặp Mehran Karimi Nasseri, nguồn cảm hứng cho Viktor Navorski, nhân vật chính trong bộ phim The Terminal nổi tiếng năm 2004.

Tài tử Tom Hanks thủ vai Viktor, công dân một quốc gia Đông Âu. Trong bộ phim, trên đường đến Mỹ, Viktor hay tin quê nhà xảy ra đảo chính, khiến đất nước của anh không còn tồn tại nữa. Điều này biến Viktor thành người không quốc tịch, bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, đồng thời không thể trở về quê hương.

Bộ phim kể về quãng thời gian gần một năm Viktor mắc kẹt và ăn ngủ tại cổng 67 ở sân bay JFK. Anh nhanh chóng tìm được những người bạn đáng tin cậy, một công việc và thậm chí đem lòng yêu một tiếp viên hàng không.

Tuy nhiên, câu chuyện đời thực lại không có kết thúc có hậu như vậy, khi ông Nasseri mắc kẹt tại sân bay Pháp suốt 18 năm.

Ông Mehran Karimi Nasseri đứng cạnh áp phích phim The Terminal tháng 8/2004. Ảnh: CNN.
Ông Mehran Karimi Nasseri đứng cạnh áp phích phim The Terminal tháng 8/2004. Ảnh: CNN.

Ông Nasseri sinh năm 1943 tại Masjed Soleiman, Iran. Năm 1973, ông đến Anh theo học tại Đại học Bradford và tham gia một cuộc biểu tình phản đối cựu hoàng Mohammed Reza Pahlav. Khi trở lại Iran 5 năm sau, ông bị bắt với cáo buộc hoạt động chống chính phủ.

Sau khi được trả tự do, ông xin tị nạn chính trị ở nhiều nước châu Âu, song đều bị phớt lờ. Đến năm 1981, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn cho Nasseri tại Bỉ, cho phép ông xin nhập tịch ở một quốc gia châu Âu.

Sau nhiều năm sống tại Bỉ, ông quyết định đến London định cư vào năm 1988, qua chặng dừng ở Paris, nơi mọi chuyện trở nên phức tạp.

Đọc Thêm:  Kevin Spacey đối mặt bốn tội danh tình dục

Ông Nasseri cho hay giấy tờ tị nạn bị đánh cắp trên chuyến tàu ở Paris. Do đó, khi đặt chân đến sân bay Heathrow, London, ông bị hải quan yêu cầu quay về Pháp. Ban đầu, ông bị cảnh sát Pháp bắt, nhưng việc ông bị trả về sân bay Charles de Gaulle là hoàn toàn hợp pháp. Bởi vậy, ông được trả tự do, song không thể rời khỏi sân bay để nhập cảnh vào Pháp.

Không giấy tờ, không quốc tịch, ông trải qua nhiều năm sống tại nhà ga số 1 ở sân bay Charles de Gaulle, dành thời gian đọc và nghiên cứu kinh tế học, đồng thời kể lại cuộc đời mình trong cuốn nhật ký dài hơn 1.000 trang.

Ông thường xuyên ăn ở nhà hàng McDonald’s, mua thuốc lá ở Pall Mall trong sân bay. Nhân viên sân bay coi Nasseri là điềm may mắn và thường mang báo, đồ ăn cho ông. Ông cũng thường tắm trong nhà vệ sinh và gửi quần áo bẩn đến phòng giặt là tại sân bay.

Ông Nasseri tại khu vực sinh hoạt tại nhà ga số 1, sân bay Charles de Gaulle, Paris, thủ đô Pháp, ngày 11/8/2004. Ảnh: AP.
Ông Nasseri tại khu vực sinh hoạt ở nhà ga số 1, sân bay Charles de Gaulle, Paris, thủ đô Pháp, ngày 11/8/2004. Ảnh: AP.

Câu chuyện của người đàn ông không quốc tịch trở nên nổi tiếng. Các phóng viên từ khắp nơi trên thế giới đến sân bay để phỏng vấn ông. Nasseri cũng nhận được những lá thư ủng hộ từ quốc tế và thu hút sự chú ý của luật sư Pháp Christian Bourguet, người sau này quyết định hỗ trợ ông.

Giải pháp khá rõ ràng, bởi nếu Bỉ cấp lại giấy tờ tị nạn, Nasseri không còn là người không quốc tịch nữa. Nhưng mấu chốt là Brussel chỉ có thể cấp lại giấy tờ nếu Nasseri trực tiếp xuất hiện, song ông không thể nhập cảnh vào nước này. Hơn nữa, luật pháp Bỉ quy định nếu người tị nạn rời lãnh thổ sau khi được nước này chấp nhận sẽ không thể trở lại.

Cuối cùng, chính phủ Bỉ đã đồng ý gửi giấy tờ mới cho ông qua đường bưu điện vào năm 1999, chính phủ Pháp cũng cấp giấy phép lưu trú cho ông.

Đọc Thêm:  Người phụ nữ cho thuê chồng giá 35 bảng mỗi lần

Một rắc rối khác xảy ra. Năm 1981, ông được UNHCR công nhận là người tị nạn chính trị dưới cái tên Ngài Alfred Mehran, quốc tịch Anh, được ghi trên giấy tờ. Nhưng giấy tờ mà Bỉ cấp lại năm 1999 lại sử dụng tên khai sinh của ông là Mehran Karimi Nasseri, quốc tịch Iran, nên ông kiên quyết từ chối ký xác nhận.

Ông Nasseri ngủ trên chiếc ghế đỏ tại sân bay hồi tháng 8/2004. Ảnh: AFP.
Ông Nasseri ngủ trên chiếc ghế đỏ tại sân bay hồi tháng 8/2004. Ảnh: AFP.

Luật sư Bourguet cũng rất sốc trước quyết định của Nasseri. Dường như nhiều năm sống tại sân bay đã để lại những hậu quả về tâm lý của người đàn ông này.

“Dù sao thì ông ấy cũng gần như phát điên rồi”, Bourguet nói với GQ trong cuộc phỏng vấn năm 2003. “Nasseri ban đầu khá tỉnh táo khi kể câu chuyện của mình, nhưng theo thời gian, ông trở nên ‘phi logic’ và liên tục thay đổi nội dung lời kể”.

Ông Nasseri từng nói rằng mình là người Thụy Điển, và khi luật sư người Pháp hỏi ông từ Thụy Điển đến Iran bằng cách nào, ông trả lời “bằng tàu ngầm”. Bạn bè tại sân bay cũng cho biết năm tháng tại đây ảnh hưởng đáng kể tới tinh thần ông.

Bác sĩ sân bay năm 1999 mô tả ông như “đã hóa thạch ở đây”. Một người bán vé so sánh Nasseri với “tù nhân không có khả năng sống bên ngoài”.

Năm 2006, ông phải nhập viện do sức khỏe, kết thúc thời gian dài sinh sống tại sân bay Charles de Gaulle. Ông xuất viện đầu năm 2007 và sống tại khách sạn cạnh sân bay, được chi hội Chữ thập đỏ Pháp tại sân bay chăm sóc. Cuối cùng, ông được chuyển tới sống tại một nhà dưỡng lão ở Paris.

Không có nhiều thông tin về Nasseri kể từ đó. Ông bị lãng quên cho đến khi xuất hiện tại sân bay vào tháng 9 và tiếp tục trở lại với cuộc sống tại đây. Ngày 12/11, ông qua đời tại nhà ga số 2 vì “nguyên nhân tự nhiên”, hưởng thọ 77 tuổi.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.