Những ngày qua, tranh chấp về quyền tiếp cận vaccine COVID-19 giữa Anh và Liên minh châu Âu đã trở thành chủ đề nóng tại châu lục này.
Nguyên nhân là do hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh nhưng có các nhà máy ở châu Âu – đã thông báo không thể đáp ứng giao vaccine kịp cho EU, trong khi vẫn cung cấp đủ cho nước Anh. Tình hình đại dịch ngày càng phức tạp, cộng thêm sự cố mới này, đã đẩy EU vào một cuộc tranh giành với Anh mà theo nhận định của các chuyên gia, nếu không hợp tác thì sẽ chẳng có bên nào giành chiến thắng.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine COVID-19 đã gây ra nhiều vấn đề ở EU sau khi hãng dược phẩm AstraZeneca thông báo không thể cung cấp đủ liều lượng đã thỏa thuận. Công ty này cho biết, số lượng vaccine dự định bàn giao cho EU có thể thấp hơn do trục trặc trong dây chuyền sản xuất tại Bỉ, cụ thể là từ nay tới cuối tháng 3/2021. Như vậy, AstraZeneca chỉ có thể cung cấp cho EU 31 triệu liều, thay vì 80 triệu liều như kế hoạch.
Tuy nhiên, EU cho rằng không thể chấp nhận lý do này trong khi AstraZeneca vẫn đảm bảo nguồn cung vaccine cho Anh. Đồng thời đề nghị AstraZeneca chuyển một phần trong số vaccine sản xuất tại Anh sang cho EU. Tuy nhiên, Giám đốc Điều hành AstraZeneca, Pascal Soriot cho biết các thỏa thuận hợp đồng với Anh không cho phép công ty làm việc này.
Và ngày 29/1 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã công bố biện pháp nhằm tiến tới cấm xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 tại các nhà máy sản xuất đặt tại các nước thành viên EU ra khỏi khối này. Như vậy có nghĩa sẽ cản đường để vaccine từ châu Âu xuất sang Anh, nước đã rút khỏi Liên minh châu Âu.
Trước tình hình này, Bỉ đã thanh tra nhà máy sản xuất vaccine của AstraZeneca theo yêu cầu của EU nhằm xác minh hoạt động sản xuất vaccine tại nhà máy này có thực sự gặp vấn đề hay không.
Tuy nhiên, theo cố vấn cấp cao của Trung tâm Chính sách châu Âu, kinh nghiệm hạn chế của Ủy ban châu Âu về các vấn đề liên quan đã khiến vấn đề thêm trầm trọng, bao gồm cả sự chia rẽ về vấn đề phân phối vaccine giữa EU và Anh.
Ông Fraser Cameron – Cố vấn cấp cao, Trung tâm Chính sách châu Âu nói: “Đây là câu hỏi về thời điểm hợp đồng được ký kết. Vương quốc Anh đã ký hợp đồng 3 tháng trước EU và do đó, theo nghĩa vụ hợp đồng, họ có quyền được nhận vaccine trước. Không may là xảy ra tình trạng giảm công suất của các nhà máy vì nhiều vấn đề khác nhau, và điều này đã làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn”.
Các chuyên gia cũng nhận định các quốc gia châu Âu nên hợp tác thay vì đối đầu để giải quyết bài toán nguồn cung vaccine. Sau sự phản đối kịch liệt từ Anh, EU đã quyết định đảo ngược kế hoạch hạn chế xuất khẩu vaccine sang Anh qua biên giới Ireland.
Về phía AstraZeneca, công ty này thông báo sẽ chuyển giao thêm 9 triệu liều vaccine COVID-19 trong quý I năm nay, nâng tổng số vaccine cung cho EU trong giai đoạn này lên 40 triệu liều.
Theo: Vtv