Sự cố bắn nhầm gieo thảm họa cho chiến dịch hải quân Đức năm 1940

Hải quân Đức tháng 2/1940 mở chiến dịch Wikinger để tấn công lực lượng Anh ở Dogger, nhưng sự cố bắn nhầm khiến mọi thứ kết thúc trong thảm họa.

Sau khi lên nắm quyền năm 1933, Adolf Hitler bắt đầu rút khỏi Hòa ước Versailles ký năm 1919, vốn cản trở nỗ lực xây dựng hải quân Đức cả về số lượng và kích cỡ tàu chiến.

Khi Thế chiến II nổ ra, Hitler kỳ vọng hải quân Đức sẽ gây thiệt hại tối đa cho đối phương cả về quân sự lẫn tài chính. Một trong những mục tiêu Đức nhắm đến là bãi ngầm Dogger ở Biển Bắc, nằm cách bờ biển phía đông nước Anh khoảng 100 km.

Dogger là ngư trường quen thuộc của ngư dân Anh, với khoảng 60 tàu cá luôn hoạt động ở khu vực này. Đức tin rằng tấn công bãi ngầm Dogger sẽ gây tổn hại lớn với nền kinh tế và làm mất nhuệ khí của Anh.

Để thực hiện mục tiêu, quân đội Đức xây dựng kế hoạch cho chiến dịch có mật danh Wikinger, trong đó máy bay không quân sẽ hộ tống chiến hạm của hải quân tấn công tàu Anh tại bãi ngầm Dogger.

Tàu khu trục Max Schultz trong một chuyến làm nhiệm vụ. Ảnh: War History.
Tàu khu trục Max Schultz trong một chuyến làm nhiệm vụ. Ảnh: War History.

Hải quân Đức huy động 6 tàu khu trục, gồm Friedrich Eckoldt, Leberecht Maass, Richard Beitzen, Max Schultz, Theodor Riedel và Erich Koellner tham gia chiến dịch, tin rằng chúng dễ dàng bắt giữ các tàu cá và tàu buôn, buộc hải quân Anh điều thêm lực lượng đến Dogger chi viện, khiến đội hình chiến hạm Anh bị dàn mỏng.

Tuy nhiên, chiến dịch này gặp vấn đề ngay từ đầu, khi không quân Đức cũng lên kế hoạch tác chiến riêng biệt mà không thống nhất với hải quân. Họ dự định triển khai hai phi đội oanh tạc cơ He 111 từ Quân đoàn Không quân số 10 để tập kích tàu Anh, nhưng gần như không nắm được hải quân sẽ làm gì.

Đọc Thêm:  Anh nhận định Nga thiếu sĩ quan chỉ huy

19h ngày 19/2/1940, 6 tàu khu trục Đức xuất phát tới bãi ngầm Dogger nhưng không yêu cầu không quân yểm trợ. Trong đêm tối, họ phát hiện một oanh tạc cơ He 111 bay phía trên đầu, nhưng không rõ là đồng đội hay đối phương. Phi công Đức trên oanh tạc cơ cũng không rõ các tàu chiến bên dưới có phải quân mình hay không.

Cả tàu chiến và máy bay He 111 đều không phát tín hiệu nhận diện lẫn nhau. Khi phi cơ áp sát, ba tàu Đức phát hiện đó là đồng đội, nhưng ba tàu còn lại đã khai hỏa vì cho rằng nó là trinh sát cơ Anh.

Bị bắn bất ngờ, chiếc He 111 đáp trả bằng cách thả bom trúng tàu khu trục Leberecht Maass. Khu trục hạm Friedrich Eckoldt được lệnh di chuyển đến hỗ trợ, trong khi các tàu còn lại giữ đội hình.

Chiếc He 111 vòng lại tấn công lần hai. Tàu Leberecht Maass trúng thêm hai quả bom và gãy đôi sau tiếng nổ lớn. Khi oanh tạc cơ He 111 quay lại căn cứ, các tàu còn lại trong biên đội cố gắng cứu thủy thủ đoàn tàu Leberecht Maass. Tuy nhiên, thảm họa chưa kết thúc.

Đọc Thêm:  Đức nêu lý do ngừng cấp visa cho hộ chiếu Việt Nam mẫu mới

Khoảng 20h, tàu khu trục Max Schultz bất ngờ va phải một quả thủy lôi và chìm sau tiếng nổ lớn. Hoảng loạn bao trùm nhóm chiến hạm Đức sau khi các tàu lầm tưởng là lực lượng Anh mở cuộc tấn công mới bằng máy bay và tàu ngầm.

Các chiến hạm Đức khai hỏa và thả bom chìm vào “kẻ thù” không tồn tại, khiến tình hình tệ hơn. Tàu khu trục Theodor Riedel thả bom chìm vào vị trí họ cho là có tàu ngầm Anh, nhưng vụ nổ khiến bánh lái của chiến hạm này bị kẹt.

Vị trí bãi ngầm Dogger trên Biển Bắc. Ảnh: Wikipedia.
Vị trí bãi ngầm Dogger trên Biển Bắc, ngoài khơi bờ biển Anh. Ảnh: Wikipedia.

Sau 30 phút hỗn loạn, chỉ huy biên đội tàu Đức ra lệnh cho 4 tàu còn lại rút về căn cứ. Toàn bộ thủy thủ trên tàu Max Schultz thiệt mạng, trong khi chỉ 60 người trên tàu Leberecht Maass sống sót.

Đánh giá ban đầu của hải quân Đức nhận định rằng biên đội tàu chiến đã đi vào bãi thủy lôi do chính lực lượng Đức triển khai, mọi thiệt hại đều không liên quan đến Anh.

Cuộc điều tra chính thức kết luận không quân và hải quân Đức đã không chia sẻ đầy đủ dữ liệu tác chiến, khiến thủy thủ đoàn tàu chiến và tổ bay chiếc He 111 không biết về sự hiện diện cũng như nhiệm vụ của nhau.

Chiến dịch Wikinger nhanh chóng kết thúc trong thảm họa, trở thành đòn giáng mạnh vào hải quân Đức. Họ mất hai chiến hạm và 578 người trong chiến dịch tưởng như dễ dàng này, ngay cả khi chưa chạm trán bất cứ tàu chiến nào của Anh.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.