Bộ Quốc phòng Anh đánh giá năng lực của cầu Crimea “suy giảm nghiêm trọng” sau vụ nổ, nguy cơ tác động tới lực lượng Nga ở miền nam Ukraine.
“Hai đoạn sàn cầu của một bên làn ôtô bị sập có chiều dài xấp xỉ 250 m. Các phương tiện gần như chắc chắn lưu thông trở lại trên bên làn ôtô còn lại, song lưu lượng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng”, Bộ Quốc phòng Anh nhận định về tác động của vụ đánh bom cầu Crimea trong báo cáo ngày 9/10.
“Chưa rõ mức độ thiệt hại đối với làn đường sắt của cầu Crimea, song bất cứ gián đoạn nghiêm trọng nào với tuyến đường này có thể tác động đáng kể đến khả năng duy trì lực lượng của Nga tại miền nam Ukraine, vốn đang trong tình trạng căng thẳng”, cơ quan này nhận định
Làn đường sắt của cầu Crimea đi vào vận hành từ tháng 6/2020. Bộ Quốc phòng Anh đánh giá tuyến đường sắt này “đóng vai trò quan trọng trong vận chuyển phương tiện quân sự hạng nặng tới mặt trận miền nam Ukraine” trong chiến dịch quân sự của Nga.
Nga chưa bình luận về báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh.
Giới chức Nga thông báo quả bom cài trong xe chở hàng được kích hoạt khi xe di chuyển trên cầu Crimea, gây ra vụ nổ làm hư hại một phần công trình. Lửa từ vụ nổ lan sang đoàn tàu chạy ở làn đường sắt bên cạnh gây ra đám cháy lớn.
Phó Thủ tướng Nga Marat Khusnullin thông báo các thợ lặn sẽ kiểm tra thiệt hại của cầu Crimea sau vụ nổ. Cuộc kiểm tra chi tiết ở khu vực phía trên của cầu Crimea dự kiến kết thúc vào cuối ngày 9/10.
Ít nhất ba người thiệt mạng trong vụ nổ, thi thể một người đàn ông và một phụ nữ đã được đưa lên, nhiều khả năng họ ngồi trong chiếc xe đi gần chiếc xe tải phát nổ.
Cơ quan điều tra Nga xác định chủ nhân chiếc xe tải phát nổ trên cầu Crimea là một cư dân vùng Krasnodar, miền nam nước Nga, đồng thời triển khai lực lượng tới lục soát nhà người đàn ông này.
Một số quan chức Nga cho rằng Ukraine đứng sau vụ nổ trên cầu Crimea. Trong khi đó, cố vấn Tổng thống Ukraine cho rằng “xe tải phát nổ đi lên cầu từ phía Nga, do đó nên tìm câu trả lời ở Nga”.
Giao thông qua cầu Crimea trên làn ôtô và đường sắt bị đình chỉ sau vụ nổ. Đến tối 8/10, hoạt động đường sắt được nối lại. Các phương tiện cũng có thể đi qua phần không hư hại trên làn ôtô.
Cầu vượt qua eo biển Kerch được khởi công năm 2015, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và hoàn thiện năm 2018. Cây cầu trị giá hàng tỷ USD nối bán đảo Crimea với vùng Krasnodar ở tây nam nước Nga. Đây là cây cầu dài nhất châu Âu, cho phép ôtô và tàu hỏa qua lại.
Sau khi mở chiến dịch quân sự hồi cuối tháng 2, Nga sử dụng cầu này để vận chuyển tăng thiết giáp, khí tài và đạn dược vào các khu vực miền nam Ukraine.