Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi việc triển khai và phân phối vắcxin phòng COVID-19 vẫn đang được tiến hành.
Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi việc triển khai và phân phối vắcxin phòng COVID-19 vẫn đang được tiến hành.
Ngày 20/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc tại Anh đã được phát hiện tại ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khi biến thể mới của virus từ Nam Phi đã xuất hiện tại 23 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh được phát hiện lần đầu vào giữa tháng 12/2020. WHO cho rằng biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn 50-70% so với chủng virus ban đầu dù không gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn.
Tuy nhiên, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) khẳng định vắcxin của họ vẫn hiệu quả trong phòng ngừa biến thể được phát hiện tại Anh.
Trong khi đó, biến thể mới tại Nam Phi được phát hiện lần đầu từ tháng 8/2020 và được chuyên gia y tế đánh giá là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 và tử vong tại Nam Phi tăng vọt trong những tháng gần đây, đặc biệt tại khu vực phía Nam bao gồm 2 tỉnh duyên hải Eastern Cape và Western Cape, nơi có thành phố du lịch mang tính biểu tượng toàn cầu là Cape Town.
Trong khi các biến thể mới của virus khiến thế giới gia tăng lo ngại, số ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu đã vượt quá 2.055.000 người.
Theo báo cáo cập nhật hằng tuần về dịch bệnh, WHO cho biết số ca tử vong mới do COVID-19 tăng lên mức cao chưa từng thấy với 93.000 ca trong 7 ngày trước, trong khi có 4,7 triệu ca mắc mới.
Trong nỗ lực khống chế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày 19/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã khuyến nghị tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho ít nhất 70% dân số trưởng thành của Liên minh châu Âu (EU) vào mùa Hè này.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), các chiến dịch tiêm chủng được 27 quốc gia thành viên EU thực hiện, theo tốc độ và các nhóm ưu tiên được từng nước vạch ra.
Mặc dù không thông báo kế hoạch thúc đẩy năng lực sản xuất vắcxin để đạt được mục tiêu tiêm chủng tham vọng của mình, EC cho biết các quốc gia thành viên phải tiêm chủng cho 70% người trưởng thành từ nay đến mùa Hè, một kỳ tích khi hơn 200 triệu người được tiêm, với hai liều mỗi người.
Theo khuyến nghị của EC, từ nay đến tháng 3, ít nhất 80% số người trên 80 tuổi và 80% nhân viên y tế phải được tiêm chủng tại mỗi quốc gia thành viên. Chìa khóa để đạt được mục tiêu trên là việc sẵn có một lượng lớn vắcxin.
EU đã đặt mua gần 2,3 tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 từ các hãng dược phẩm, nhưng cho đến nay mới chỉ 2 loại vắcxin nhận được giấy phép của EU.
Hiện EU đã bảo đảm tổng cộng 600 triệu liều vắcxin Pfizer/BioNTech do Mỹ và Đức hợp tác phát triển và dự kiến số lượng vắcxin này sẽ được giao dần từ nay đến cuối năm mặc dù đã xuất hiện những khó khăn trong việc giao hàng sớm.
Ủy ban cũng đang thúc giục các quốc gia thành viên tăng cường năng lực về giải mã virus SARS-CoV-2 nhằm phát hiện các biến thể mới.
Ấn Độ thực hiện “ngoại giao vắcxin“
Cùng ngày, Ấn Độ thông báo nước này chính thức bắt đầu tiến hành “ngoại giao vắcxin”, theo đó sẽ xuất khẩu vắcxin ngừa COVID-19 phiên bản “Made in India” cho các quốc gia láng giềng và đối tác chính như Bhutan, Maldives, Bangladesh, Nepal, Myanmar, Seychelles, Sri Lanka, Afghanistan và Mauritius.
Quyết định trên mở đường cho các nước có thu nhập từ mức thấp đến trung bình nhận được nguồn cung vắcxin Oxford/AstraZeneca do Ấn Độ sản xuất.
Hồi tuần trước, Viện Serum của Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, bày tỏ hy vọng sẽ sớm nhận được quyền sử dụng khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đối với vắcxin Oxford/AstraZeneca mà SII đã được cấp phép sản xuất, để SII được phép bắt đầu cung cấp vắcxin cho cơ chế COVAX, một sáng kiến do WHO khởi xướng, nhằm phân phối vắcxin một cách công bằng cho các nước nghèo trên thế giới.
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn tờ The Indian Express cho biết trước mắt Ấn Độ chính thức chuyển một lô hàng đầu tiên, khoảng 1 triệu liều vắcxin do tập đoàn dược phẩm Ấn Độ Serum Institue sản xuất, đến 2 nước Bhutan và Maldives, sau đó đến lượt các nước như Bangladesh, Nepal, Myanmar, Seychelles. Sri Lanka, Afghanistan và Mauritius cũng sẽ nhận được vắcxin của Ấn Độ khi các nước này đưa ra các phê duyệt quy định cần thiết.
Trên Twitter, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi viết: “Ấn Độ vô cùng vinh dự được trở thành đối tác tin cậy lâu năm trong việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng quốc tế.
Nguồn cung cấp vắcxin COVID-19 cho một số quốc gia sẽ bắt đầu vào ngày 20/1, và sẽ nhiều hơn nữa trong những ngày tới. Trong khi đó, Ngoại trưởng S Jaishankar cho rằng: “Ấn Độ thực hiện cam kết cung cấp vắcxin cho nhân loại. Việc cung cấp vắcxin cho những quốc gia láng giềng sẽ bắt đầu vào ngày 20/1 tới.”
Đức hối thúc các nước EU nhất trí biện pháp chung để ngăn biến thể mới của virus
Ngày 20/1, Thủ tướng Đức Angela Merkel hối thúc các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí về các biện pháp chung nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và cảnh báo nếu không có động thái này, Đức sẽ tiến hành kiểm soát biên giới với các nước láng giềng.
Bà Merkel cũng lưu ý Chính phủ Đức đang tiến hành các cuộc tham vấn với CH Séc và Luxembourg trong khi nhiều lao động, trong đó một số người làm việc trong các ngành chủ chốt như y tế, đang qua lại khu vực biên giới để làm việc mỗi ngày.
Thủ tướng Đức cho biết trong hội nghị truyền hình của Hội đồng châu Âu ngày 21/1 tới, bà sẽ tìm kiếm một gói biện pháp chung của các nước thành viên, chẳng hạn như xét nghiệm thường xuyên để sàng lọc.
Latvia gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp
Trong khi đó, Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins cho biết nội các nước này đã gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp đến ngày 7/2 tới do đại dịch COVID-19. Quyết định được nhất trí tại một cuộc họp chung của các bộ trưởng và Ủy ban Quản lý Khủng hoảng.
Phát biểu trước báo giới, ông Karins cho biết tình trạng khẩn cấp có hiệu lực tại Latvia từ ngày 9/11/2020 phải duy trì hiệu lực dù tỷ lệ lây nhiễm bắt đầu có dấu hiệu ổn định trong tuần này. Thủ tướng Karins nhấn mạnh quyết định trên nhằm giảm số ca mắc mới trong khi các bệnh viện vẫn đang quá tải vì bệnh nhân COVID-19.
Lệnh tình trạng khẩn cấp tại Latvia bao gồm cả lệnh giới nghiêm ban đêm vào các ngày cuối tuần, cùng với biện pháp hạn chế kinh doanh bán lẻ, tụ tập nơi công cộng, thể thao trong nhà và những dịch vụ nhất định. Tuy nhiên, kỳ nghỉ Đông của các học sinh sẽ kết thúc và phương pháp học từ xa sẽ được nối lại từ ngày 25/1 tới.
Theo Bộ trưởng Y tế Latvia Daniels Pavluts, tỷ lệ nhiễm virus tại nước này trong 14 ngày vẫn ở mức cao, với tỷ lệ 689 ca mắc trên 100.000 dân. Ông Pavluts nhấn mạnh chính phủ có thể xem xét nới lỏng các biện pháp hạn chế khi giảm được tỷ lệ lây nhiễm trong 14 ngày xuống mức 200 ca trên 100.000 dân.
Triều Tiên tăng cường chiến dịch chống dịch
Cùng ngày 20/1, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết nước này đang đẩy mạnh các nỗ lực chống dịch COVID-19 và thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn dịch bệnh sau các sự kiện chính trị lớn với sự tham dự của hàng nghìn đại biểu diễn ra trong tuần trước tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Triều Tiên cho biết: “Chúng ta đang đẩy mạnh nỗ lực thắt chặt kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển và trên không, đồng thời đưa ra những cách thức hợp lý và hiệu quả để khử trùng dựa trên kinh nghiệm trong năm ngoái.”
Triều Tiên tuyên bố không có ca COVID-19 nào và đã nỗ lực trên toàn quốc ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh này, trong đó có việc đóng cửa biên giới hồi tháng 1 năm ngoái.
Đầu tháng 12/2020, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao nhất với dịch bệnh, đình chỉ hoạt động của các cơ sở công cộng, như nhà hàng và nhà tắm công cộng, đồng thời hạn chế đi lại của người dân ở thủ đô./.
Theo: Vietnam+