Vị thế Thủ tướng Anh lung lay

Vị trí của Thủ tướng Lizz Truss đang bị đe dọa sau khi bà sa thải bộ trưởng tài chính và đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế.

Guardian hôm nay dẫn lời các nghị sĩ cấp cao đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh cho biết họ sẽ họp vào ngày 17/10 để thảo luận về một “sứ mệnh giải cứu”, trong đó tìm cách nhanh chóng loại Thủ tướng Lizz Truss khỏi vị trí lãnh đạo đảng. Kế hoạch được đưa ra sau khi tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt bác bỏ kế hoạch kinh tế của bà và báo hiệu một thời kỳ thắt lưng buộc bụng mới ở Anh.

Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ muốn bà Truss từ chức trong vài ngày tới, số khác nói rằng bà “đang tại nhiệm nhưng không nắm quyền”. Trong khi đó, các đồng minh của Thủ tướng Truss trong nội các cảnh báo đảng Bảo thủ sẽ đánh mất quyền lực nếu lật đổ lãnh đạo thứ hai chỉ trong vài tháng.

Các động thái được đưa ra sau khi bà Truss trong cuộc họp báo ngày 14/10 thông báo quyết định sa thải bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng và hủy bỏ nhiều phần trong gói kích thích kinh tế đầy tham vọng mà bà đề ra khi nhậm chức tháng trước.

Thủ tướng Anh Liz Truss họp báo tại trụ sở chính phủ Anh ở London ngày 14/10. Ảnh: AFP
Thủ tướng Anh Liz Truss họp báo tại trụ sở chính phủ Anh ở London ngày 14/10. Ảnh: AFP

Đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh giảm mạnh sau phát biểu của bà Truss. Các nhà kinh tế học và giới đầu tư cho hay việc bà đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế vẫn chưa đủ để khôi phục ổn định kinh tế.

Đọc Thêm:  Chủng nCov mới tại Anh 'vượt khỏi tầm kiểm soát'

Nước Anh đang chìm trong khủng hoảng chính trị sau khi ngày càng nhiều thành viên trong nội các từ bỏ sự ủng hộ với Thủ tướng Truss. “Thủ tướng Truss đang ở ngưỡng phải ra đi và bà ấy biết rõ điều đó”, một cựu bộ trưởng nói. “Bà ấy giờ đây sẽ phải tuân theo quy trình và nắm quyền thêm một thời gian, hoặc tìm cách chống lại và bị phế truất”.

Từ khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu năm 2016 (Brexit), ba thủ tướng đã ra đi. Bà Truss có nguy cơ trở thành người thứ tư có kết cục tương tự nếu không tìm được cách cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế để xoa dịu các nhà đầu tư và vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở quốc hội.

Ông Kwarteng là một trong những bộ trưởng tài chính có thời gian làm việc ngắn nhất nước Anh. Trong nỗ lực cứu vãn tình hình, bà bổ nhiệm cựu ngoại trưởng Hunt làm bộ trưởng tài chính thứ tư của Anh, trong bối cảnh hàng triệu người dân nước này đang đối mặt cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Ông Hunt có hai tuần để đề xuất giải pháp và đưa ra kế hoạch ngân sách mới vào 31/10.

Một nghị sĩ mô tả tình hình hiện nay là “mớ hỗn loạn”, cho rằng bà Truss có thể vẫn nắm quyền nhưng “sẽ bị tổn thương nặng nề”. Christopher Chope, nghị sĩ đảng Bảo thủ, người ủng hộ bà Truss, nhận xét đảng bây giờ giống “một trò đùa”. “Thị trường đã mất niềm tin vào đảng Bảo thủ”, một nghị sĩ giấu tên của đảng cho biết.

Đọc Thêm:  Anh có thể phạt tới 10 năm tù người nhập cảnh vi phạm quy định phòng dịch

Bà Truss chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh ngày 5/9 và nhậm chức thủ tướng một ngày sau, trong bối cảnh Anh đối mặt loạt thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Người tiền nhiệm của bà là Boris Johnson đã phải từ chức sau loạt vụ bê bối trong nội các.

Bà Truss giành chiến thắng nhờ cam kết cắt giảm thuế lớn, bãi bỏ những quy định mà bà cho rằng sẽ gây sốc cho nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng trì trệ. Ông Kwarteng sau đó công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng (50,4 tỷ USD), nhưng vấp phải phản ứng dữ dội từ thị trường tài chính Anh.

Có thời điểm đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đôla Mỹ trong nhiều thập kỷ (1 USD = 0,8929 bảng Anh). Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp, thông báo đang tạm thời chi 65 tỷ bảng (73 tỷ USD) mua lại trái phiếu chính phủ dài hạn để “bình ổn thị trường”.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.