Loạt nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền lần đầu công khai kêu gọi Thủ tướng Truss từ chức, giáng đòn vào hy vọng tiếp tục tại nhiệm của bà.
“Tôi nghĩ trò chơi đã kết thúc và bây giờ vấn đề cần bàn là quá trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra thế nào”, Crispin Blunt, nghị sĩ cấp cao đảng Bảo thủ cầm quyền, hôm 16/10 nói trong cuộc phỏng vấn trên kênh Channel 4, khi cho rằng Thủ tướng Liz Truss nên từ chức.
Blunt là thành viên đầu tiên trong đảng cầm quyền công khai kêu gọi bà Truss, người nhậm chức vào tháng trước, rời ghế thủ tướng. Ông cho rằng khi có đủ tiếng nói trong đảng cầm quyền, điều đó sẽ tác động tới nhiệm kỳ của bà Truss. Blunt đưa ra lời kêu gọi hai ngày sau khi bà Truss sa thải bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng.
Nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ khác sau đó cũng lên tiếng ủng hộ Blunt. Nghị sĩ Malcolm Rifkind nói các thành viên đảng Bảo thủ yêu cầu bà Truss từ chức là “vì lợi ích quốc gia”, trong khi nghị sĩ Andrew Bridgen cũng kêu gọi Thủ tướng rời vị trí lãnh đạo.
“Chúng ta không thể tiếp tục như thế này. Đất nước, người dân và đảng của chúng ta xứng đáng với điều tốt đẹp hơn”, Bridgen cho hay.
Nghị sĩ Jamie Wallis tuyên bố đã “viết thư cho Thủ tướng để yêu cầu bà từ chức vì bà không còn giữ được niềm tin của đất nước”.
Các nghị sĩ cũng được cho là đã gửi thư bất tín nhiệm Thủ tướng tới Graham Brady, chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Theo quy định của đảng, bà Truss sẽ không phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong một năm tới, nhưng Ủy ban 1922 từng dọa thay đổi quy định này hồi năm 2019, khiến thủ tướng Anh khi đó là Theresa May phải từ chức.
Tình thế càng khó khăn hơn với bà Truss khi các đồng minh của Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đang vận động các nghị sĩ ủng hộ ông lên nắm quyền.
Lời kêu gọi bà Truss từ chức được đưa ra khi một cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Bảo thủ có nguy cơ thất bại trong tổng tuyển cử trước Công đảng đối lập. Công đảng dự kiến giành 411 ghế nghị sĩ, trong khi đảng Bảo thủ chỉ được 137 ghế, trong đó 10 bộ trưởng và cựu thủ tướng Boris Johnson sẽ thất cử.
Một nghị sĩ đảng Bảo thủ khác là Robert Halfon không kêu gọi bà Truss từ chức, nhưng công kích kịch liệt chính phủ, cáo buộc bà Truss “đối xử với đất nước như những con chuột thí nghiệm để thực hiện các thử nghiệm siêu thị trường tự do”. Ông đồng thời yêu cầu Thủ tướng xin lỗi và nhanh chóng cải tổ.
Các động thái diễn ra sau khi bà Truss trong cuộc họp báo ngày 14/10 thông báo quyết định sa thải bộ trưởng tài chính Kwasi Kwarteng và hủy bỏ nhiều phần trong gói kích thích kinh tế đầy tham vọng mà bà đề ra khi nhậm chức.
Đồng bảng và trái phiếu chính phủ Anh giảm mạnh sau phát biểu của bà Truss. Các nhà kinh tế học và giới đầu tư cho hay việc bà đảo ngược kế hoạch cắt giảm thuế vẫn chưa đủ để khôi phục ổn định kinh tế.
Từ khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu năm 2016 (Brexit), ba thủ tướng đã ra đi. Bà Truss có nguy cơ trở thành người thứ tư có kết cục tương tự nếu không tìm được cách cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế để xoa dịu các nhà đầu tư và vượt qua sức ép từ chính các nghị sĩ trong đảng Bảo thủ cầm quyền.
Bà Truss chiến thắng trong cuộc đua giành vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ ngày 5/9 và nhậm chức thủ tướng một ngày sau, trong bối cảnh Anh đối mặt loạt thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Người tiền nhiệm của bà là Boris Johnson phải từ chức sau loạt vụ bê bối trong nội các.
Bà Truss được chọn nhờ cam kết cắt giảm thuế lớn, bãi bỏ những quy định mà bà cho rằng sẽ gây sốc cho nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng trì trệ. Ông Kwarteng sau đó công bố kế hoạch cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ bảng (50,4 tỷ USD), nhưng vấp phải phản ứng dữ dội từ thị trường tài chính Anh.
Có thời điểm đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đôla Mỹ trong nhiều thập kỷ (1 USD = 0,8929 bảng Anh). Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp, thông báo đang tạm thời chi 65 tỷ bảng (73 tỷ USD) mua lại trái phiếu chính phủ dài hạn để “bình ổn thị trường”.