Nhiều tháng sau khi các nghị sĩ Bảo thủ gây áp lực buộc Boris Johnson từ chức thủ tướng, ông đã sẵn sàng trở lại số 10 phố Downing.
Hàng chục nghị sĩ đảng Bảo thủ đã công khai ủng hộ ông Boris Johnson làm ứng viên thay thế Thủ tướng Liz Truss, người tuyên bố từ chức sau 44 ngày tại vị khi khiến thị trường hỗn loạn vì chính sách cắt giảm thuế lớn và tăng chi tiêu.
Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 21/10, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace nói ông nghiêng về ủng hộ cựu thủ tướng Johnson. Hai bộ trưởng đương nhiệm khác cũng nói rằng sẽ ủng hộ cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Boris Johnson, 58 tuổi, chưa công khai tuyên bố liệu ông có ra tranh cử thủ tướng và các trợ lý của ông cũng từ chối bình luận. Nhưng một số đồng minh cho biết ông sẽ tham gia cuộc đua nếu có đủ 100 chữ ký đề cử trong số 357 nghị sĩ đảng Bảo thủ tại quốc hội.
“Ông ấy đang nghe ngóng”, Will Walden, cựu thư ký báo chí của ông Johnson, cho biết, khi ông vội vã lên máy bay trở về Anh trong lúc đang nghỉ dưỡng ở vùng Caribe.
Quá trình đề cử ứng viên bắt đầu vào ngày 20/10, mỗi ứng viên cần nhận được sự hậu thuẫn của ít nhất 100 nghị sĩ Bảo thủ. Tối đa ba ứng viên sẽ lọt được vào vòng bỏ phiếu, nơi các nghị sĩ chọn ra hai người có kết quả cao nhất vào ngày 24/10. 170.000 đảng viên Bảo thủ sau đó sẽ bỏ phiếu trực tuyến cho đến ngày 28/10 để chọn ra người chiến thắng, kết quả chung cuộc sẽ được công bố cùng ngày.
Cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak được xem là ứng viên sáng giá kế nhiệm bà Truss. Các nhà cái đặt cược ông Sunak có 53% cơ hội chiến thắng. Ông Johnson được cho là có 42% cơ hội, trong khi cựu bộ trưởng quốc phòng Penny Mordaunt được 10%.
Chìa khóa cho cơ hội thành công của cựu thủ tướng Johnson là ông vẫn giữ được nền tảng ủng hộ mạnh mẽ trong đảng Bảo thủ.
Cuộc khảo sát của People Polling công bố ngày 20/10 cho thấy 38% cử tri đảng Bảo thủ muốn ông Johnson dẫn dắt đảng, trong khi ông Sunak nhận được 20% ủng hộ.
Khả năng Johnson quay lại với ghế thủ tướng đã gây ra phản ứng trái chiều từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ. Dù công khai không ủng hộ, một số người chia sẻ phía sau hậu trường rằng ông Johnson có thể giành lại ghế thủ tướng nếu thống nhất được phe cánh hữu hoài nghi của đảng.
“Ông ấy là ứng viên tốt nhất trong tình huống khẩn cấp”, Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, nói. “Bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra”.
Đảng Bảo thủ đang chia rẽ sâu sắc bởi những bất đồng về thương mại tự do hay chủ nghĩa bảo hộ và can thiệp. Những người ủng hộ Johnson nói ông là người duy nhất có thể thiết lập liên minh lớn, trải rộng từ người lao động đến các chủ ngân hàng, như những gì từng giúp ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử năm 2019. Một số thành viên đảng Bảo thủ tin ông là cơ hội tốt nhất để cứu họ khỏi một thất bại cay đắng trước Công đảng đối lập trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 1/2025.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng hình ảnh chính trị của ông Johnson đã xuống cấp quá nhiều. Ông phải từ chức sau khi khoảng 50 quan chức rời khỏi chính phủ để phản đối loạt vụ bê bối của chính quyền. Vụ bê bối lớn nhất là ông Johnson từng phớt lờ quy định giãn cách và tụ tập tiệc tùng trong lúc nước Anh áp phong tỏa vì đại dịch.
Cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Michael Howard đã khẩn cầu đảng đừng quay lại với thời kỳ bất ổn của Johnson. “Ông ấy từng có cơ hội, nhưng đã không thành công”, Howard nói.
Một số nghị sĩ tuyên bố trên Twitter rằng họ sẽ rời đảng Bảo thủ nếu ông Johnson quay lại. Khi được hỏi về khả năng Johnson ra tranh cử, một cựu bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ chỉ trả lời bằng biểu tượng cảm xúc phẫn nộ trên WhatsApp.
Nghị sĩ Crispin Blunt cho rằng việc bầu Johnson làm lãnh đạo đảng Bảo thủ sẽ đưa đảng “trở lại vết xe đổ như khi ông ấy còn tại nhiệm”.
Rob Ford, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Manchester, cho biết những người Bảo thủ “không thực tế” khi nghĩ rằng ông Johnson có thể giải quyết những thách thức hiện nay của họ.
“Chúng tôi biết công chúng không thích ông ấy. Ông Johnson cũng không thể quản lý và thống nhất đảng. Đó sẽ là một thảm họa”, Ford nói.
Ngay cả khi đã từ chức, ông Johnson vẫn ám chỉ rằng ông sẽ quay lại với phố Downing và giới quan sát nhận định sức ảnh hưởng của cựu thủ tướng Anh trong cuộc đua tranh cử vẫn rất lớn.
Hồi tháng 9, khi các thành viên đảng Bảo thủ lựa chọn giữa bà Truss và ông Sunak, hơn 10.000 đảng viên đã ký đơn kiến nghị đưa thêm ông Johnson vào danh sách lựa chọn.
“Các thành viên đảng Bảo thủ rất khó chịu về những gì đã xảy ra với lãnh đạo mà chúng tôi đã bầu ra. Chúng tôi yêu cầu mọi người phải lắng nghe ý kiến của chúng tôi”, bản kiến nghị của 10.000 đảng viên khi đó có đoạn.