Người Anh cạn kiên nhẫn với đảng Bảo thủ

Khi bà Truss từ chức, nhiều người Anh cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy đảng Bảo thủ thất bại trong điều hành đất nước sau một thập kỷ nắm quyền.

“Với tư cách là công dân Anh, chúng tôi không thể cho phép điều này tiếp tục xảy ra”, Peter Smith, nghiên cứu sinh 28 tuổi ở London, nói với VnExpress sau khiThủ tướng Anh Liz Truss từ chức chỉ sau 44 ngày tại nhiệm.

Bà Truss là thủ tướng thứ tư của đảng Bảo thủ phải từ nhiệm kể từ khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu năm 2016 (Brexit). Điều này đã khiến nhiều người Anh ngày càng mất kiên nhẫn và thất vọng với đảng Bảo thủ. Theo khảo sát gần đây của YouGov, 87% người Anh cho rằng chính phủ của đảng Bảo thủ điều hành nền kinh tế một cách tồi tệ.

Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu từ chức trước Văn phòng Thủ tướng ở Số 10 Phố Downing, London ngày 20/10. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Anh Liz Truss phát biểu từ chức trước Văn phòng Thủ tướng ở Số 10 Phố Downing, London ngày 20/10. Ảnh: Reuters.

“Các quyết sách họ đưa ra cực kỳ thiếu chính xác. Những năm qua, người dân luôn phải vật lộn để tưởng tượng xem thủ tướng tiếp theo của đảng Bảo thủ sẽ tệ thế nào”, Smith nói. Anh cho rằng nước Anh cần một cuộc thảo luận lớn và một cuộc tổng tuyển cử ngay lập tức, khi “nhìn vào những ‘thành tích’ của đảng Bảo thủ những năm gần đây”.

Bà Truss, 47 tuổi, được đảng Bảo thủ chọn làm lãnh đạo và trở thành thủ tướng nhờ cam kết giải quyết hóa đơn năng lượng leo thang, đảm bảo dịch vụ y tế và đặc biệt là chính sách cắt giảm thuế lớn, bãi bỏ những quy định mà bà cho rằng sẽ gây sốc cho nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng trì trệ.

Tuy nhiên, chỉ trong 6 tuần, các chính sách kinh tế theo chủ nghĩa tự do mà bà theo đuổi đã gây ra cuộc khủng hoảng tài chính, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp.

Đọc Thêm:  Anh chuyển thêm pháo phản lực tầm bắn 80 km cho Ukraine

“Hãy nhìn hậu quả của nước Anh sau 12 năm đảng Bảo thủ nắm quyền”, William Anderson, 31 tuổi, môi giới bất động sản tại London, bày tỏ. “Thật không thể tin nổi khi đất nước đầy tự hào của chúng tôi thành một mớ hỗn độn”.

Theo Anderson, các lãnh đạo đảng Bảo thủ tỏ ra thiếu quyết đoán và chậm trễ trong quyết sách đối phó với khủng hoảng năng lượng và nhà ở.

Ngân hàng Trung ương Anh cũng cảnh báo lãi suất sẽ tăng nhanh hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát đang ở mức khoảng 10%, khiến hàng triệu người mua nhà phải đối mặt với các khoản thanh toán nợ ngân hàng tăng vọt.

“Họ cầm quyền 12 năm nhưng không có một ý tưởng khả thi nào. Bà Truss cũng là người cũ, năm nào cũng là người cũ. Đây là hậu quả khi chỉ 170.000 người trong số 67 triệu dân Anh được phép bầu cử”, anh nói.

Người dân cầm biểu ngữ năng lượng cho tất cả, tham gia biểu tình tại Phố Downing, trung tâm London, thủ đô Anh, ngày 19/10. Ảnh: AFP.
Người dân cầm biểu ngữ “năng lượng cho tất cả”, tham gia biểu tình tại Phố Downing, trung tâm London, thủ đô Anh, ngày 19/10. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử ngay lập tức, đồng thời cảnh báo thiệt hại to lớn đối với nền kinh tế Anh nếu đảng Bảo thủ tiếp tục nắm quyền. Theo các cuộc thăm dò gần đây, Công đảng được dự đoán sẽ giành thắng lợi áp đảo trong tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, đảng Bảo thủ không có dấu hiệu nào sẽ chấp nhận tổng tuyển cử, bởi họ đang chiếm đa số trong quốc hội và về lý thuyết, còn hai năm nữa mới đến thời hạn tổ chức bầu cử toàn quốc.

Quá trình bầu tân thủ tướng Anh thay thế bà Truss thực chất là bầu ra lãnh đạo mới cho đảng Bảo thủ. Quá trình đề cử ứng viên đã bắt đầu, các nghị sĩ của đảng sẽ chọn ra hai ứng viên nhận được nhiều ủng hộ nhất. Sau đó, 170.000 đảng viên Bảo thủ sẽ bầu chọn lãnh đạo mới, người kế nhiệm bà Truss.

Đọc Thêm:  Thái tử Charles trở thành Vua Vương quốc Anh
Thời gian tại nhiệm của các thủ tướng Anh từ năm 1951 đến 2022. Đồ họa: Al Jazeera.
Thời gian tại nhiệm của các thủ tướng Anh từ năm 1951 đến 2022. Đồ họa: Al Jazeera.

Một số người Anh cho rằng thủ tướng tiếp theo do đảng Bảo thủ bầu ra sẽ khó giải quyết những thách thức mà đất nước đang đối mặt, đặc biệt là các vấn đề về thuế và hóa đơn năng lượng.

Do khủng hoảng khí đốt trên thị trường quốc tế, hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình Anh đã tăng gấp đôi kể từ mùa xuân và có thể tăng gấp ba vào đầu năm 2023. Một số nhà nghiên cứu cho rằng có tới 1,7 triệu hộ gia đình Anh có thể không thanh toán nổi hóa đơn điện, khí đốt sau đợt tăng giá từ đầu tháng này.

Hải Nguyễn, giảng viên 33 tuổi ở thành phố Portsmouth, miền nam nước Anh, cho hay hiện tại là mùa thu, các công ty đang kêu gọi người dân đi làm trở lại thay vì làm ở nhà, nên hóa đơn sưởi chưa cao.

Nhưng anh lo rằng chi phí sưởi ấm sẽ tăng cao trong những tháng tới, khi mùa đông đến và thời tiết trở nên lạnh giá hơn. “Chính phủ chi mạnh để hỗ trợ dân, nhưng lại không tăng được nguồn thu khi đề xuất chính sách cắt giảm thuế, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thâm hụt ngân sách”, anh Hải nói.

“Tôi nghĩ mọi người không nên quá phấn khích khi bà Truss từ chức”, Smith cảnh báo. “Rất nhiều chính sách thắt lưng buộc bụng sắp được thực hiện và thuế cao hơn khiến nền kinh tế đình trệ, bất kể ai là người tiếp theo nắm giữ cương vị lãnh đạo chính phủ”.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.