Tiền điện tử, từ chỗ được đánh giá là 1 cuộc cách mạng tài chính, nay đang dần trở thành kẻ hủy diệt môi trường và tạo ra sân chơi cực kỳ tinh vi cho những kẻ lừa đào chiếm đoạt tài sản.
Lược dịch từ Guardian
Tiền điện tử, theo lý luận của những người ủng hộ trung thành và nhiệt tình nhất, sẽ là giải pháp thay thế cho gần như mọi loại tiền tệ hiện nay. Đồng thời, nó còn có vai trò quan trọng trong việc chấm dứt sự kiểm soát của các ngân hàng trung ương đối với nguồn cung tiền ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Với tiền điện tử, các cá nhân có thể giao dịch với nhau trong một hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số phi tập trung. Họ tin rằng đây là một điều tích cực, đặc biệt là khi công nghệ đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Những “fan” cuồng nhiệt của tiền điện tử thậm chí còn vẽ ra nhiều viễn cảnh, nơi công nghệ đóng vai trò như 1 sự thay thế cho các thể chế chính trị và xã hội.
Tiền điện tử từng được cho là giải pháp thay thế cho gần như mọi loại tiền tệ hiện nay
Tuy nhiên, công nghệ không bao giờ có thể thay thế được hành vi xã hội và chính trị, mà chỉ đơn giản là tác động đến các quy tắc và chuẩn mực mà chúng ta tuân theo mà thôi. Để dễ hình dung, chúng ta cứ nhìn vào trường hợp của Terra Luna, mã tiền điện tử được nhắc đến nhiều nhất trong tuần vừa qua. Có những thời điểm, nó đã giảm đến hơn 98% giá trị chỉ trong một ngày (thậm chí giảm tới 99,999999% ở thời điểm tồi tệ nhất), thổi bay những khoản tiền khổng lồ của không ít nhà đầu tư trên thế giới.
Bitcoin và Ethereum, dù không rơi vào thảm cảnh “tụt dốc” như vậy, nhưng cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ blockchain từng tạo ra cơn sốt NFT, một loại tài sản số hiện diện trên một chuỗi số, và cũng từ đó sinh ra tình trạng trộm cắp, lừa đảo mới liên quan đến loại hình này. Các NFT có thể không quá bắt mắt, nhưng chúng có thể được bán với giá lên tới 91,8 triệu USD. Và khi giá trị càng cao, các vụ lừa đảo, chiếm đoạt NFT lại càng tăng lên ngày 1 nhiều. Cuối tháng trước, tài khoản Instagram của Bored Ape Yacht Club đã bị hack, và thủ phạm đã dễ dàng đánh cắp được số NFT trị giá 3 triệu USD bằng cách điều hướng follower đến 1 trang web lừa đảo.
Khi một tác phẩm NFT bị đánh cắp, tất cả các tuyên ngôn tuyệt vời về sức mạnh phi tập trung của blockchain cũng sẽ bốc hơi, kể cả khi các nạn nhân ra sức cầu xin một số sàn giao dịch tiền điện tử chặn việc bán NFT bị đánh cắp của họ. Công nghệ cơ bản và token của nó có thể phi tập trung, thế nhưng nơi bạn thực sự có thể mua, sử dụng và bán những thứ này vẫn là cực kỳ giới hạn. Dù muốn hay không, những người yêu thích, ủng hộ tiền điện tử cũng phải thừa nhận 1 sự thật rằng: Tiền tệ và các hợp đồng chỉ có giá trị hoặc có thể sử dụng khi được công nhận là hợp pháp. Công nghệ blockchain dù thực sự rất thú vị nhưng không thay đổi thực tế này.
Tình trạng lừa đảo NFT và crypto đang ngày càng tăng cao
Trong khi đó, 1 số bang và tổ chức tại Mỹ đã bắt đầu coi tiền điện tử như một lực lượng địa chính trị bất ổn định, buộc họ phải giới hạn và đánh thuế lượng năng lượng khủng khiếp mà các mỏ tiền điện tử tiêu thụ.
Một số quốc gia thậm chí đã phải ra những biện pháp cấm blockchain và những công nghệ liên quan. Ví dụ, vào năm 2021, Trung Quốc, từng là nơi khai thác Bitcoin lớn nhất thế giới, chiếm 75% khối lượng Bitcoin toàn cầu (tính đến tháng 9/2019), đã cấm “đào” và sử dụng tiền điện tử một cách vô cùng nghiêm ngặt.
Lý do mà họ đưa ra lệnh cấm này là nhằm hạn chế mức tiêu thụ điện của các mỏ tiền điện tử, bảo vệ công dân khỏi tình trạng lừa đảo, và kiểm soát dòng tiền trong nước và với các đối tác thương mại của Trung Quốc. Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia duy nhất có động thái tích cực trong việc loại bỏ xu hướng này.
Nga đã phải trải qua tình trạng tương tự trong vài tháng đầu năm 2022. Kể từ tháng 1, một số người khai thác tiền điện tử đã xây dựng trụ sở “đào” ở gần Kazakhstan, sau khi bị đuổi khỏi Trung Quốc. Các máy chủ khai thác của họ đã gây thiệt hại nặng nề cho lưới điện của quốc gia Trung Á, sử dụng tới 8% tổng công suất năng lượng của họ và trở thành nơi “đào” tiền điện tử lớn thứ hai sau Hoa Kỳ. Bất chấp những nỗ lực nhằm kiểm soát thông qua việc đánh thuế năng lượng, người dân ở Kazakhstan vẫn nổi loạn vì giá nhiên liệu tăng cao và nguồn điện không đáng tin cậy. Quân đội của Nga và các quốc gia láng giềng đã phải vào cuộc dập tắt bạo lực tại đây vào cuối tháng 1, ngay cả khi phần lớn sự chú ý của họ đều đang đổ dồn vào căng thẳng tại Ukraine.
Việc khai thác tiền điện tử đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đến môi trường
Bản thân Nga cũng là một “dân chơi” trong lĩnh vực tiền điện tử, chiếm đến 11% công suất khai thác Bitcoin trên toàn thế giới thế giới. Vào tháng 2 vừa qua, thay vì ban hành lệnh cấm, chính phủ Nga thông qua một khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý tiền kỹ thuật số, đưa chúng vào hệ thống tài chính và bảo đảm tài sản kỹ thuật số không được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động tội phạm.
Điều đó vô tình khiến cho các sàn giao dịch tiền điện tử phải chịu áp lực cấm người Nga khỏi nền tảng của mình. Đã có nhiều cuộc tranh luận nổ ra xoay quanh việc liệu việc này có đi trái lại với toàn bộ ý tưởng về công nghệ blockchain hay không. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là: Tiền điện tử không mang lại một cuộc cách mạng tài chính, nó chỉ cung cấp cho những kẻ lừa đảo một sân chơi mới mẻ và tinh vi hơn mà thôi.
Đây mới chỉ là sự khởi đầu. Việc sử dụng năng lượng vô tội vạ để khai thác tiền điện tử đang góp phần khiến cho hiện tượng nóng lên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết, dẫn đến đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 1000 năm trở lại đây tại California, hay những mùa gió mùa tăng cường ở Ấn Độ. Tất cả những gì cao đẹp, mỹ miều liên quan đến tiền điện tử đều chỉ ảo ảnh để che khuất thực tế rằng nó được tạo thành từ hàng triệu tấn than, đồng, kim loại hiếm và nhựa mà thôi.