Tuyệt đối không làm những điều này khi du lịch London

Nếu muốn hoà nhập như một người bản địa khi du lịch London, bạn hãy nhớ những điều nên và không nên làm dưới đây nhé.

Thử hình dung cảnh này nhé: bạn vô tình dẫm vào chân ai đó khi đang đi trên một chuyến tàu điện ngầm rất đông đúc ở London .

Ngạc nhiên khi thấy đối phương lí nhí xin lỗi dù đó không phải là lỗi của họ, bạn liền cố nhìn thẳng vào mắt họ và thử bắt chuyện. Ngay lập tức, sự im lặng bao trùm toa tàu, tất cả hành khách đều nhìn chằm chằm xuống sàn, còn vẻ mặt của người kia như thể vừa bị dọa giết vậy. Quay trở lại năm giây trước xem nào.

Bạn vừa vi phạm nguyên tắc xã giao của London đấy. Đừng lo lắng, cùng lắm thì điều mà bạn phải chịu đựng là một cái chặc lưỡi lắc đầu về hướng mình thôi – như thế với hầu hết người Anh đã là cách tỏ thái độ khó chịu nhất rồi. Dù vậy, nếu muốn hoà nhập như một người bản địa khi khám phá thành phố này, bạn hãy ghi nhớ những điều nên và không nên làm dưới đây nhé.

Nếu có cơ hội ghé thăm những vỉa hè tấp nập, những cửa hàng sầm uất cùng các phương tiện giao thông đa dạng của ngã tư Oxford Circus, bạn đừng quên thử nghiệm những lời khuyên bỏ túi này nhé.

Hãy nói xin lỗi

Như một thói quen, người dân London rất thích nói lời xin lỗi, đến mức thậm chí ngay cả khi không có lỗi, họ vẫn sẽ nói thế. Điều này đúng với nước Anh nói chung, nhưng ở thủ đô, nơi mà càng nhiều thứ được gộp lại nhào nặn chung với nhau, sẽ càng có nhiều lúc bạn cần bày tỏ sự hối lỗi.

Đừng bắt chuyện với người lạ

Hệ thống Tàu điện ngầm London. Những vị hành khách này rất tốt bụng và dễ thương, nhưng không ai trong số họ hứng thú chuyện trò xã giao đâu.

Nếu bạn muốn hỏi đường, nói xin lỗi, hoặc cả hai thì hoàn toàn không sao cả, nhưng cố gợi chuyện vặt vãnh để nói – đặc biệt là trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi người ta khó tránh đi được – thì điều này không hề được đánh giá cao đâu.

Đừng nhầm lẫn Cầu London với Cầu Tháp London

Đi bộ ở London có thể là một trải nghiệm hứng khởi – Cầu Thiên niên kỷ nối liền Nhà thờ St Paul và Bảo tàng nghệ thuật Tate Morden

Chuyện này rất dễ xảy ra đấy. Cầu Tháp London (Tower Bridge) là cây cầu mà bạn hay nhìn thấy trong những bức ảnh (theo đúng nghĩa đen, trên cầu có tháp cao, một câu cầu kéo, và trông cực kỳ hoành tráng), trong khi Cầu London (London Bridge) là một cây cầu tẻ nhạt bình thường, không có đặc điểm riêng biệt gì (có chăng chỉ là hình ảnh các đoàn khách du lịch thất vọng mà thôi).

Đọc Thêm:  Dạo chơi trên những con đường đi bộ đẹp nhất nước Anh

Đừng lúc nào cũng dùng tàu điện ngầm

London có một số lượng lớn ga tàu điện ngầm, và nhiều ga trong số đó nằm rất gần nhau, đặc biệt ở khu vực trung tâm. Kiểm tra bản đồ thực tế trước khi lên tàu luôn luôn là một việc nên làm, vì thường thì đi bộ sẽ nhanh hơn, đặc biệt là khi đi tàu bạn cần đổi tuyến.

Hãy thử làm một ly trong quán rượu pub

Đến London thì không thể bỏ qua các quán pub (viết tắt của ‘public house’ – nhà cộng đồng) có mặt ở khắp mọi nơi được, và đến thăm thú mà không nhấm nháp một ly bia, thì cũng giống như đi qua Tháp đồng hồ Big Ben mà không thèm liếc nhìn mặt đồng hồ vậy. Đây không phải là một lời khuyên chân thành, đây là một mệnh lệnh, bạn thân yêu ạ.

Các quán pub phục vụ ngay tại quầy, và không cần phải thêm tiền típ. Các quán bar lịch sự hơn và những nơi tập trung vào đồ ăn có thể sẽ có phục vụ tại bàn, khi đó tiền típ sẽ giống như tại các nhà hàng – rơi vào khoảng 10-15%.

Hãy cố tận dụng ghé thăm tất cả các điểm thăm quan miễn phí

Đại sảnh chính của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên nhìn từ trên cao: đây chỉ là một trong rất nhiều những điểm thăm quan miễn phí của London

London có rất nhiều điểm tham quan văn hóa lớn nhất trên thế giới, và hầu hết trong số đó đều miễn phí, bao gồm các bộ sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên, Bảo tàng Anh, Phòng triển lãm Chân dung Quốc gia và Bảo tàng nghệ thuật Tate Modern, cũng như chiêm ngưỡng Nghi thức đổi gác (diễn ra hằng ngày tại Cung điện Buckingham).

Đừng phớt lờ việc xếp hàng

Xếp hàng là một điều “thiêng liêng” trong văn hoá Anh Quốc và nếu bạn cố cắt ngang hàng, bạn sẽ trở thành tâm điểm của sự bất mãn đấy. Trong tình huống có thể xếp được nhiều hơn một hàng (ví dụ như có ba quầy thanh toán cạnh nhau), thì bình thường người Anh cũng sẽ chỉ xếp thành một hàng, và người tiếp theo trong hàng sẽ tiến lên quầy trống.

Hãy dùng vé điện tử Oyster

Đọc Thêm:  Lâu đài Windsor của Hoàng gia Anh ngập tràn không khí Giáng sinh, trang trí lộng lẫy như cổ tích

Những thẻ di chuyển trả trước này làm cho việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở London dễ dàng và đỡ tốn kém hơn, đỡ cho bạn việc phải lật đật tìm mua từng vé lẻ. Khách du lịch có thể đặt trước một thẻ Visitor Oyster (loại dành riêng cho du khách) tại trang tfl.gov.uk và nhận thẻ trước khi lên đường. Nếu sở hữu thẻ thông minh không tiếp xúc của ngân hàng Anh, bạn cũng có thể chạm chúng vào các cửa đọc thẻ và đi tàu với cùng mức giá.

Đừng cố tham lam xem tất cả mọi thứ cùng một lúc

London là một thành phố khổng lồ với quá nhiều nơi mà bạn có thể xem, việc mà bạn có thể làm, thậm chí dù có ý chí sắt đá nhất thế giới, bạn cũng sẽ không thể thăm hết tất cả các chỗ được. Hãy tận hưởng London theo nhịp điệu của riêng bạn, và để mình đắm chìm vào một số điểm thăm quan nhất định, chứ không nên điên cuồng phi hết nơi này đến nơi khác. Bạn luôn có thể trở lại mà!

Đừng sử dụng tàu điện ngầm trong giờ cao điểm

Giờ cao điểm trên tàu điện ngầm London đôi khi có thể so với thời khủng hoảng nhân đạo đấy: hãy cố tránh khoảng thời gian từ 7:30 đến 9:30 sáng (thời điểm đông người nhất), và từ 5 đến 7 giờ tối (sẽ bớt đông hơn). Nếu bạn không còn cách nào khác (ví dụ nếu bạn cần ra sân bay), thì nên dành thời gian đi sớm hơn.

Hãy mang theo đồ chống thấm nước hoặc ô

Thời tiết nước Anh không thực sự xấu đến thế – nhưng tốt hơn hết vẫn nên có sự chuẩn bị

Thời tiết London đôi khi phải nhận nhiều lời chê bai tồi tệ hơn thực tế, nhưng giống như phần còn lại của Vương quốc Anh, rất khó xác định tình hình nắng mưa. Không giống như nhiều thủ đô châu Âu khác, mùa hè London không nhất định sẽ có nắng, vì vậy tốt nhất vẫn nên chuẩn bị sẵn sàng.

Hãy đứng về phía bên phải của thang cuốn

Có lẽ chưa bao giờ có một quy tắc bất thành văn nào được tuân theo một cách phổ quát như “luật rừng” về vị trí phải đứng trên thang cuốn ở London. Đứng ở bên phải, đi ở bên trái. Lúc nào cũng thế. Ở đâu cũng vậy. Nếu không tuân thủ, xác định ngay và luôn là tất cả mọi người sẽ nhìn bạn và tặc lưỡi lắc đầu đấy, bạn đã sẵn sàng gánh chịu hậu quả ghê gớm như vậy chưa?

Theo Anh Phạm (Theo Lonelyplanet)

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.