Thủ tướng Boris Johson tiếp tục cảnh báo về “nỗi mệt mỏi Ukraine” khi chiến sự kéo dài, kêu gọi các nước tiếp tục tăng cường hỗ trợ Kiev.
“Đã có những lo ngại về sự mệt mỏi của các quốc gia khác trên thế giới về nguy cơ xung đột kéo dài ở Ukraine, về tác động của nó với giá lương thực và năng lượng”, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói trong cuộc phỏng vấn hôm nay.
Thủ tướng Johnson bày tỏ ấn tượng với “sự nhất quán đáng kinh ngạc trong quyết tâm của G7 và tinh thần đoàn kết của nhóm” trong các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở Đức.
“Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không thể đạt được một thỏa thuận, G7 cần tiếp tục ủng hộ Kiev để giúp nước này khôi phục kinh tế, giải phóng ngũ cốc”, Thủ tướng Anh nói. “Tất nhiên chúng tôi cũng phải giúp họ tự vệ, đó là những gì chúng tôi sẽ tiếp tục làm”.
Tuyên bố được Thủ tướng Johnson đưa ra một ngày sau khi ông đến dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Bavaria, Đức và cùng lãnh đạo Mỹ, Canada, Nhật tuyên bố cấm nhập khẩu vàng từ Nga nhằm ngăn chặn các tài phiệt Moskva mua kim loại quý này để tránh lệnh trừng phạt.
G7 là nhóm 7 nền kinh tế phát triển trên thế giới gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ. Nga từng là thành viên nhóm này, khi đó mang tên G8, nhưng vào năm 2014, các lãnh đạo nhóm đã loại Nga sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea.
Các nước phương Tây đang nỗ lực ủng hộ Ukraine và gia tăng sức ép với Nga, nhưng cũng đối mặt với thách thức lớn khi chiến sự đã kéo dài qua tháng thứ 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc, khiến thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng và làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã tăng 8,6%, trong khi tỷ lệ này tại Anh là 9,1%, còn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1%.
Chiến sự Ukraine kéo dài cũng làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hồi tháng 5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Tình trạng này có thể “gây ra làn sóng đói kém chưa từng có”, đẩy 49 triệu người vào cảnh thiếu hụt lương thực.