Vì sao Bitcoin vẫn đứng vững trước nhiều tin xấu?

Giá Bitcoin vẫn duy trì trên 20.000 USD, trái ngược hoàn toàn với diễn biến thường gặp mỗi khi thị trường tiền số đón hàng loạt tin tức xấu.

Từ đầu ngày 14/7 đến nay, giá Bitcoin hầu như luôn được giao dịch trên 20.000 USD một đồng, có thời điểm gần chạm 21.178 USD. Bắt đầu giữa buổi trưa hôm qua, tiền số lớn nhất thế giới giữ vững trên 20.500 USD một đơn vị, tăng gần 5% trong 24 giờ. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp giá Bitcoin có xu hướng tăng.

Cùng với Bitcoin, các đồng tiền số khác cũng tăng giá mạnh. Ethereum có thời điểm tăng đến gần 10%, vượt mốc 1.200 USD quan trọng như hồi đầu tháng trước. Ngay cả đồng VGX của nền tảng cho vay đã phá sản Voyager Digital cũng đã tăng hơn 3 lần trong 3 ngày 12-14/7. Theo dữ liệu từ CoinCapMarket tính đến chiều hôm qua, trong số 100 tiền kỹ thuật số có vốn hóa lớn nhất thế giới, chỉ có 7 đồng giảm giá 24 giờ qua. Sắc xanh phủ khắp bảng điện với ít nhất 14 đồng tăng giá với biên độ xấp xỉ 10% trở lên.

Diễn biến thị trường có phần “bình thản” trên của Bitcoin và tiền số nói chung trái ngược với những đợt điều chỉnh giá trước đó. Hồi đầu tháng 5, Bitcoin từ ngưỡng 40.000 USD một đồng giảm không phanh về vùng giá 30.000 USD sau cú sập của bộ đôi Luna và TerraUSD. Đến cuối tháng 6, đồng tiền này tiếp tục lùi về vùng giá 20.000 USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,75% – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Sau đó, giá Bitcoin gập ghềnh theo các tin tức xấu như hãng cho vay tiền số Celsius Network gặp khủng hoảng, quỹ đầu cơ Three Arrows Capital (3AC) vỡ nợ…

Nhưng suốt một tuần qua, thị trường tiền số dường như “miễn nhiễm” với mọi tin xấu. Ngày 13/7, Bộ Lao động Mỹ thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, lập đỉnh 40 năm. Ngay sau đó, nhà đầu tư truyền tai nhau về việc Fed nhiều khả năng nâng lãi suất thêm 1% vào cuối tháng. Hôm 14/7, Celsius Network nộp đơn xin phá sản, nối gót sàn giao dịch Voyager Digital và quỹ đầu cơ 3AC.

Đà tăng giá của tiền số còn đi ngược lại sắc đỏ bao trùm chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% trong hôm 14/7. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones mất 0,5% trong khi chỉ số blue-chip cũng ghi nhận chuỗi giảm 5 ngày. Dẫu chứng khoán phục hồi trong phiên cuối tuần, cả ba chỉ số đại diện đều đi lùi so với tuần trước. S&P 500 giảm 0,9 điểm phần trăm, Nasdaq giảm 1,6% và Dow Jones mất 0,2%. Diễn biến này đi ngược với mối quan hệ khăng khít trước đó của các loại tài sản số và nền chứng khoán Mỹ.

Đọc Thêm:  Người Việt ở Glasgow kể chuyện một mình chống lại Covid-19

Chia sẻ với VnExpress, ông Lê Sỹ Nguyên – Quản lý khu vực Đông Nam Á của Bybit, cho rằng chính loạt tin tức xấu trước đó đã giúp thị trường tiền số hiện tại “miễn nhiễm”. Các tin tức xấu đã không còn ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý người dùng. Riêng việc Fed tăng lãi suất đã nằm trong dự đoán nên không còn tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư tiền số.

Quan trọng hơn, sắc xanh trên thị trường tiền số xuất phát từ chính bản thân chúng đã có một chuỗi giảm rất dài trước đó. Riêng Bitcoin đã giảm hơn 70% kể từ đỉnh 69.000 USD tháng 11 năm ngoái.

“Vì vậy nhiều người tin rằng Bitcoin đã gần như chạm đáy, có giảm nữa cũng chỉ xuống 10.000 USD và sẽ có đợt phục hồi sau chuỗi giảm dài, do đó nhiều người đã bắt đầu mua vào để tích lũy”, đại diện một trong những sàn giao dịch tiền số lớn nhất thế giới đưa ra nhận định.

Một luận điểm khác để lý giải sự “bình thản” lần này là Bitcoin và tiền số nói chung đã tạo dựng được niềm tin của người dùng trong thời gian qua. Biểu hiện rõ nhất là đã có nhiều tổ chức tài chính và cá nhân nổi tiếng tham gia vào thị trường và mua số lượng lớn. Tài sản kỹ thuật số cũng chứng tỏ được khả năng của mình trong thời kỳ khủng hoảng và chiến tranh như tại Ukraina, nơi người dân chỉ có thể dùng Bitcoin và tiền số để giao dịch.

Sắc xanh chiếm phần chủ đạo trên thị trường tiền số dẫu đối mặt nhiều tin tức xấu. Ảnh: Tất Đạt
Sắc xanh chiếm phần chủ đạo trên thị trường tiền số dẫu đối mặt nhiều tin tức xấu. Ảnh: Tất Đạt

CNBC cũng đã khảo sát nhiều nhà đầu tư tiền số để tìm ra câu trả lời cho diễn biến thị trường có phần “kỳ lạ” của tiền số. Phần lớn nhà đầu tư đều rằng sự cải thiện về các yếu tố kinh tế vĩ mô và sự thanh lọc trên thị trường có thể là những nhân tố quan trọng đóng góp cho diễn biến giá Bitcoin.

“Tôi nghĩ nếu lạm phát được kiểm soát, nền kinh tế được kiểm soát, không có suy thoái thực sự nghiêm trọng thì thị trường sẽ ổn định”, CK Zheng – đồng sáng lập quỹ đầu cơ tập trung vào tiền số ZX Squared, đưa ra nhận định.

Lạm phát Mỹ đang đạt mức cao 40 năm, khiến Fed thêm cứng rắn trong chính sách tiền tệ, tuy nhiên đang có một số dấu hiệu cho thấy tình trạng trên có thể đạt đến đỉnh điểm. Theo Vijay Ayyar – phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp và quốc tế tại sàn giao dịch tiền số Luno, thị trường sẽ tìm thấy đáy ngay khi có dấu hiệu cho thấy nền kinh tế và lạm phát đang “trong tầm kiểm soát”.

Đọc Thêm:  Anh bắt người dân phải đeo khẩu trang dùng phương tiện công cộng

“Nếu chúng ta thấy các dấu hiệu kể trên trong tháng này hoặc thậm chí trong vài tháng tới, điều đó sẽ mang lại niềm tin cho thị trường rằng các tài sản rủi ro bao gồm cổ phiếu và tiền số đang ở mức đáy”, ông nói.

Theo James Butterfill – người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại CoinShares, một Fed “mềm mỏng” hơn và sức mạnh đồng USD đạt đỉnh có thể giúp thị trường tìm thấy đáy. Butterfill cho rằng, triển vọng kinh tế yếu hơn có thể khiến Fed giảm tốc quá trình thắt chặt tiền tệ. Ông tin rằng điều này có khả năng xảy ra tại kỳ hội nghị thường niên ở Jackson Hole vào cuối mùa hè.

Một yếu tố khác giúp tiền số diễn biến tích cực là sự thanh lọc đang diễn ra trên thị trường. Nhà đồng sáng lập quỹ đầu cơ ZX Squared cho rằng thị trường đang trong quá trình loại bỏ những “người chơi” yếu kém. Ông không còn bất ngờ trước tin tức các công ty về tiền số sụp đổ và nhấn mạnh rằng điều đó có thể giúp thị trường tìm thấy đáy.

Butterfill của CoinShares cho biết nhóm thợ đào Bitcoin đang thua lỗ cũng là một yếu tố thanh lọc thị trường. Ông cũng tin rằng khi các công ty khai thác tiền số hoạt động không hiệu quả và bị xóa sổ, thị trường sẽ dễ xác định mức đáy.

Quan sát biểu đồ kỹ thuật toàn thị trường thời gian qua, Matthew Dibb – đồng sáng lập Stack Funds, nói trên Fortune rằng ông đã chứng kiến “mức tăng mạnh mẽ” trên các đồng tiền tài chính phi tập trung (DeFi). Dường như thị trường đang tạo đà cho một tăng trưởng trong tương lai.

Ông lưu ý, đường trung bình động đơn giản (Simple Moving Average – SMA) trong 200 ngày của Bitcoin cho thấy thị trường tiền số có thể gần chạm đáy. Chỉ số Mayer Multiple so sánh giá trị thị trường với SMA 200 ngày, ngày hôm qua đạt 0,53. Đối chiếu với dữ liệu lịch sử, các đợt thị trường xuống giá trước đó kết thúc với Mayer Multiple giảm xuống dưới 0,5. Các chỉ báo khác như Puell Multiple, MVRV Z-score… cũng cho thấy những tín hiệu tương tự.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.