Tài chính toàn cầu rực lửa vì lo lạm phát

Chứng khoán châu Á, châu Âu, trái phiếu, tiền số đều đang bị bán tháo vì nhà đầu tư lo ngại tác động từ chính sách đối phó lạm phát.

Thị trường chứng khoán châu Âu vừa mở cửa chiều nay đã gia nhập làn sóng bán tháo toàn cầu. Chỉ số Stoxx 600 giảm 1,3%, xuống thấp nhất kể từ đầu tháng 3. FTSE 100 (Anh) hiện giảm 1,46%. CAC 40 (Pháp) và DAX (Đức) mất lần lượt 2,36% và 2%.

Tại châu Á, Nikkei 225 (Nhật Bản) hôm nay chốt phiên mất 3%. Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,52%. Hang Seng Index (Hong Kong) mất 3,2%. Hai chỉ số của thị trường Trung Quốc – Shanghai Composite và Shenzhen Composite cũng giảm lần lượt 0,9% và 0,3%.

Cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu đang bị bán tháo do lo ngại lạm phát có thể khiến các ngân hàng trung ương toàn cầu tăng lãi suất, từ đó làm giảm tốc nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình hình Covid-19 tại Trung Quốc cũng càng đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Đọc Thêm:  Nhà virus học hàng đầu Trung Quốc công bố nghiên cứu mới nhất về nguồn gốc của virus corona

Tại Mỹ, các chỉ số chính tuần trước lao dốc sau số liệu cho thấy lạm phát tháng 5 của nước này lập đỉnh 40 năm mới tại 8,6%. Chốt phiên giao dịch 10/6, chỉ số DJIA mất 880 điểm, tương đương 2,73%. S&P 500 giảm 2,91%. Giảm mạnh nhất là Nasdaq Composite, với 3,52%.

Chiều nay, S&P 500 tương lai hiện giảm tới 2,1% và Nasdaq 100 tương lai mất 2,5%. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm 3,24% – cao nhất kể từ tháng 10/2018.

Lực bán tháo trên thị trường trái phiếu chính phủ châu Âu cũng tăng tốc, với lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm tăng lên trên 1% lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ.

“Đến một thời điểm nào đó, điều kiện tài chính sẽ thắt chặt đến mức khiến tăng trưởng yếu đi và Fed dừng tăng lãi suất”, các chiến lược gia tại Goldman Sachs Group nhận xét, “Nhưng chúng ta còn lâu mới đến được đó. Điều này đồng nghĩa lợi suất trái phiếu có thể sẽ tiếp tục tăng, các tài sản rủi ro tiếp tục chịu sức ép và đồng đôla Mỹ sẽ vẫn mạnh lên”.

Đọc Thêm:  Sự cố bắn nhầm gieo thảm họa cho chiến dịch hải quân Đức năm 1940

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang tăng với mọi kỳ hạn, đặc biệt là kỳ hạn ngắn. Lợi suất loại kỳ hạn 2 năm đã lên cao nhất kể từ cuối năm 2007. Trong khi đó, lợi suất loại kỳ hạn 30 năm đang thấp hơn loại 5 năm, cho thấy rủi ro Fed tăng lãi suất khiến kinh tế Mỹ hạ cánh cứng.

Giá yen Nhật hôm nay xuống đáy 24 năm so với USD. Giá dầu và quặng sắt – các hàng hóa nhạy cảm với tăng trưởng – tiếp tục giảm.

Tâm lý bi quan còn lan sang thị trường tiền số. Bitcoin sáng nay xuống dưới 25.000 USD – thấp nhất 18 tháng.

Nhiều nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất thêm 0,5% trong phiên họp tháng 7 và tháng 9. Barclays và Jefferies thậm chí cho rằng phiên họp tháng 6 có khả năng chứng kiến đợt nâng lãi 0,75%.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.