Nỗi khổ không điều hòa giữa nắng nóng châu Âu

Kiến trúc nhà cửa chống lạnh đặc trưng và không lắp điều hòa ở Anh khiến Thanh Tú cảm nhận rõ sự oi bức khi nắng nóng thiêu đốt châu Âu.

“Tôi phải sắm thêm quạt, bởi ở Anh rất hiếm điều hòa, nếu dùng thì tiền điện chắc chắn cao ngất ngưởng”, Thanh Tú, người Việt đã sinh sống 7 năm ở London, thủ đô Anh, nói về cảm nhận trong đợt nắng nóng kỷ lục đang tấn công nước này và nhiều quốc gia châu Âu.

Cơ quan Khí tượng Anh hôm 19/7 ghi nhận nhiệt độ 40,2 độ C, mức cao nhất mọi thời đại ở nước này. Tình trạng nắng nóng diện rộng khiến phần lớn nước Anh và xứ Wales phải ban bố báo động đỏ. Một số tuyến đường sắt, đường bộ phải đóng cửa do thanh ray biến dạng, nhựa đường nóng chảy dưới nhiệt độ cao.

Các công trình giao thông công cộng ở quốc gia ôn đới như Anh thường được thiết kế để chống chịu nhiệt độ tối đa 27 độ C vào mùa hè. Nhà cửa ở đây cũng được xây dựng với các vật liệu chủ yếu để chống lạnh vào mùa đông, nên cảm giác oi bức, bí bách trong những ngày nắng nóng càng trở nên rõ rệt, Thanh Tú nói.

Các nước tây nam châu Âu đang phải hứng chịu đợt sóng nhiệt thứ hai của mùa hè, với sức nóng kỷ lục được mô tả như “hỏa ngục”, gây ra cháy rừng diện rộng. Nhiều người dân bản địa tại các nước Anh, Pháp cho biết đây là lần đầu tiên trong đời họ chứng kiến đợt nắng nóng khốc liệt như vậy.

“Nhiệt độ thủ đô Paris hôm nay hơn 40 độ C. Những năm trước, thời tiết vào buổi tối sẽ mát hơn, nhưng trời đêm hiện nay ở Paris cũng rất ngột ngạt”, Marc, nhân viên văn phòng 27 tuổi sống tại Paris, Pháp, ngày 19/7 cho biết. “Rất khó ngủ với thời tiết như vậy, đặc biệt là khi điều hòa không phổ biến rộng rãi ở Pháp”.

Nước Pháp đang đối mặt với đợt nắng nóng cao điểm, khiến 15 khu vực được đặt trong tình trạng báo động nhiệt ở mức cao nhất. Marc cho hay hầu hết nhân viên công sở ở Paris phải làm việc mà không có điều hòa. “Nhiệt độ quá cao nên càng bật quạt điện càng nóng, như phun ra lửa, cực kỳ khó chịu”, anh nói.

Đọc Thêm:  Anh nói người Nga giảm ủng hộ chiến dịch quân sự tại Ukraine
Một người phụ nữ che chắn dưới nắng nóng ở cầu Millennium, London, Anh hôm 18/7. Ảnh:Reuters.
Một người phụ nữ che chắn dưới nắng nóng ở cầu Millennium, London, Anh hôm 18/7. Ảnh: Reuters.

Tình hình nghiêm trọng hơn ở Tây Ban Nha, khi sóng nhiệt kéo dài gây ra hàng loạt đám cháy rừng quy mô chưa từng có. “Như đổ thêm dầu vào lửa vậy. Cực kỳ nóng, đỉnh nhiệt có lúc chạm mức 50 độ C”, Đức Thành, du học sinh Việt tại khu Callao, thủ đô Madrid, mô tả về thời tiết nơi mình đang sống.

“Đáng sợ nhất là khi bước ra từ tàu điện ngầm, một người bạn đi cùng tôi đã ngất tại chỗ, phải nghỉ ngơi cả tiếng để hồi phục”, Đức Thành kể. “Do sống ở nước ôn đới, người Tây Ban Nha cũng không có thói quen dùng điều hòa và thường sử dụng quạt máy, nên ở nhà hay ngoài đường đều rất nóng”.

Hơn 600 thành viên lực lượng ứng phó tình trạng khẩn cấp thuộc quân đội Tây Ban Nha đã được triển khai để giúp đỡ lực lượng cứu hỏa và kiểm lâm ứng phó với hàng chục vụ cháy rừng trên toàn quốc. Bộ Y tế nước này cảnh báo “nắng nóng gay gắt” có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Sam, 28 tuổi, sống ở Madrid, cho biết chưa bao giờ chứng kiến cháy rừng hoành hành diện rộng như vậy trên toàn quốc, khiến không khí càng trở nên nóng bức.

“Gia đình tôi đã phải sắm điều hòa, thứ cực kỳ thiết thực trong những ngày này, song không thể phụ thuộc hoàn toàn vào nó vì giá điện hiện rất đắt đỏ”, Sam nói. “Chúng tôi thường kéo rèm xuống để ngăn ánh nắng chiếu vào nhà, hạn chế bật đèn để tạo cảm giác mát mẻ hơn. Tôi còn đắp khăn ướt vào sau gáy để giải nhiệt”.

Người dân giải nhiệt tại đài phun nước ở Seville, Tây Ban Nha, ngày 12/7. Ảnh: AFP.
Người dân giải nhiệt tại đài phun nước ở Seville, Tây Ban Nha, ngày 12/7. Ảnh: AFP.

Nhiều người Việt sống ở châu Âu cho rằng đợt nắng nóng bất thường nay ảnh hưởng lớn tới dân bản địa do họ chưa kịp thích nghi với nhiệt độ tăng nhanh như vậy vào mùa hè. Với những người đã quen với thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam, đợt nắng nóng ở châu Âu vẫn “chưa là gì”.

Đọc Thêm:  Ngoại hạng Anh - sự trở lại vào đầu tháng 6

Tại Paris, trong khi Marc, một người bản địa, cảm thấy khó chịu vì quá nóng cả ngày lẫn đêm, chị Quỳnh Anh cho rằng nhiệt độ buổi tối ở thủ đô Pháp vẫn “mát mẻ, có khi rét”. Đức Thành cũng có chung cảm nhận, nói rằng có thể mở cửa sổ vào ban đêm ở Madrid để tận hưởng không khí mát hơn, dù ban ngày nắng như thiêu đốt.

Tuy nhiên, cả người bản địa và Việt kiều ở châu Âu đều đồng tình rằng đây là hình thái thời tiết cực đoan bất thường, làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu.

“Trước đây, mùa hè thường ngắn hơn mùa đông, song do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nắng nóng ở Áo hiện nay bắt đầu từ tháng 4, kéo dài đến tháng 9 mới giảm”, Đinh Thị Minh Châu, thạc sĩ khoa học chính trị tại thủ đô Vienna, cho biết.

Chị Châu cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu này khiến các công trình ở Áo nói riêng và châu Âu nói chung, vốn sử dụng vật liệu truyền thống và kiến trúc phù hợp với các hệ thống sưởi, không thích ứng được với mô hình nắng nóng cực đoan.

Giới khoa học nhận định các đợt sóng nhiệt đang xảy ra thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu. “Chúng tôi dự đoán sóng nhiệt sẽ nghiêm trọng hơn”, Clare Nullis, phát ngôn viên Tổ chức Khí tượng Thế giới, cho biết trong cuộc họp báo ngày 12/7 ở Geneva. “Đi kèm nắng nóng là hạn hán. Nhiều vùng đất đang cực kỳ khô cằn”.

Các nhà nghiên cứu của Ủy ban châu Âu hôm 18/7 cho biết 46% lãnh thổ EU đã bị hạn hán ở mức cảnh báo và 10% ở mức báo động.

Sam, sống tại Madrid, cho biết Tây Ban Nha nổi tiếng là đất nước “ấm áp và đầy nắng”, nhưng tình trạng sóng nhiệt cực đoan diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn mỗi năm là điều không thể xem thường. “Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực lớn đến chúng ta, sẽ không có cách nào ngăn những đợt sóng nhiệt tương tự trong tương lai nếu không sớm có cách ứng phó”, anh nói.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.