Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam – Anh đã phục hồi về mức trước dịch

Những câu chuyện thú vị, kinh nghiệm khi giao thương với đối tác Anh được chia sẻ trong hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA”, do Bộ Công thương phối hợp tổ chức ngày 23-6, tại TP.HCM.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam - Anh đã phục hồi về mức trước dịch - Ảnh 1.
Hội thảo “Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA” ngày 23-6 tại TP.HCM – Ảnh: THẢO THƯƠNG

Nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA), hội thảo diễn ra hai phiên thảo luận. Thứ nhất, cơ hội song phương trong tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng. Thứ hai, kinh nghiệm xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản sang thị trường Anh.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Anh, bà Nguyễn Khánh Ngọc – phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương) – cho biết các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Anh đang có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng vào các chuỗi siêu thị của Anh.

Nhưng để “vươn ra biển lớn”, bà Ngọc nhận định: “Để gia tăng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh, doanh nghiệp cần phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng Anh, nắm rõ thủ tục xuất khẩu vào Anh. Nâng chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư vào công nghệ bảo quản và vận chuyển, nhất là mặt hàng nông sản, cần chú ý đăng ký, bảo hộ thương hiệu tại Anh. 

Đọc Thêm:  Xả súng tại thành phố Canada

Phát triển mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác; tiếp cận với các tập đoàn phân phối lớn của Anh, để trở thành đơn vị cung cấp hàng hóa vào các chuỗi phân phối này”.

Ông Chris Milliken – phó chủ tịch Phòng Thương mại Anh tại Việt Nam – đánh giá hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam – Anh đã phục hồi về mức trước dịch. 

Tuy nhiên ông Chris Milliken cho rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn vướng mắc trong các khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh, các rủi ro về hợp đồng, thanh toán, cách phòng tránh.

Ông Oliver Todd, tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM, cho rằng chuỗi cung ứng đang có thay đổi, Việt Nam muốn cạnh tranh phải chuyên môn hóa. 

“Tôi sẽ lựa chọn nước có sản phẩm lợi thế nhất định. Làm sao nói về dệt may, nông nghiệp thủy hải sản Anh luôn nghĩ Việt Nam là tốt. Vậy muốn cạnh tranh phải phát triển ngành hàng đã có, cũng như ngành hàng mới và xây dựng uy tín”, ông nói.

Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Thị Thanh An – phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương – cho biết 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Anh tăng gần 180% so với cùng kỳ năm ngoái. Bà An cho rằng để vào thị trường Anh, đầu tiên cần chất lượng tiêu chí và thương hiệu.

Đọc Thêm:  Lạm phát châu Âu lập kỷ lục

Còn ông Đặng Hoàng Giang, tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), cho hay thị trường Anh cực kỳ quan trọng, nhưng quốc gia đứng thứ 4 của Việt Nam xuất khẩu điều là Hà Lan. 

“Mà Hà Lan là nước xuất khẩu nhân điều chế biến sâu vào Anh mà nước này không có hạt điều nào, tỉ trọng nhân điều sơ chế và xuất khẩu vào Anh chiếm đa số. Đặt câu hỏi ta sao chưa làm được, khi có UKVFTA nhưng ta chưa bắt được lợi thế. Doanh nghiệp ta có thông tin nhưng còn hàn lâm, chưa nắm được tập quán tiêu dùng…”, ông Giang nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Quang Thanh, phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết năm 2021, xuất khẩu gỗ đạt 14,8 tỉ USD; riêng thị trường Mỹ 8,7 tỉ USD nhưng thị trường Anh có 2,67 tỉ  USD. 

“Để nâng con số xuất khẩu thị trường Anh, trước tiên cần chất lượng, năng lực sản xuất, thị hiếu người tiêu dùng; qua các cơ quan, cục xúc tiến”, ông Thanh nói. 

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.