Hàng loạt vấn đề về kỹ thuật và hoài nghi chính trị dường như đang khiến thỏa thuận tàu ngầm Australia ký với Anh và Mỹ giẫm chân tại chỗ.
Khi AUKUS được công bố cách đây một năm, hiệp ước an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia đã gây ra không ít tranh cãi. Trọng tâm của thỏa thuận là Anh và Mỹ sẽ cung cấp công nghệ và hỗ trợ kỹ thuật để Australia chế tạo hạm đội 8 tàu ngầm hạt nhân. Hiệp ước được kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh hải quân cho Australia, đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Giới quan sát đánh giá tàu ngầm là lĩnh vực tiếp theo trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trên nhiều lĩnh vực giữa Mỹ và Trung Quốc. Chính vì thế, AUKUS được xem là một phần chiến lược của Washington nhằm đối phó Bắc Kinh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Bắc Kinh lúc bấy giờ chỉ trích thỏa thuận ba bên này là mối đe dọa “cực kỳ vô trách nhiệm” với ổn định trong khu vực, bày tỏ hoài nghi về cam kết không phổ biến hạt nhân của Australia và cảnh báo các đồng minh phương Tây của Canberra rằng họ có nguy cơ “tự bắn vào chân mình”.
Pháp, nước trước đó ký thỏa thuận bán 12 tàu ngầm diesel-điện cho Australia nhưng bị hủy bỏ vì AUKUS, cũng bày tỏ giận dữ, gọi thỏa thuận mà Canberra ký với London và Washington là “cú đâm sau lưng” đồng minh.
Một năm sau, môi trường địa chiến lược trong khu vực thậm chí còn trở nên căng thẳng hơn. Bắc Kinh liên tục tăng sức ép quân sự với đảo Đài Loan và không ngừng mở rộng ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương. Hải quân Nga và Trung Quốc cũng vừa triển khai biên đội tàu chiến tuần tra, diễn tập chung trên Thái Bình Dương nhằm tăng cường hợp tác.
Trong 6 tháng tới, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles sẽ phải lựa chọn loại tàu ngầm hạt nhân phiên bản của Mỹ hay Anh mà Canberra muốn sở hữu. Trước đó, ông sẽ nhận được báo cáo từ nhóm chuyên trách nghiên cứu tàu ngầm hạt nhân cũng như đánh giá về chiến lược quốc phòng của chính phủ. Những báo cáo này sẽ được dùng để rà soát và tái định hình lực lượng, năng lực phòng thủ của Australia.
Hai thành tố lớn nhất trong cỗ máy quốc phòng Australia tương lai là hạm đội 9 tàu hộ vệ sẽ được bàn giao cho Australia vào năm 2031, cùng 8 tàu ngầm từ thỏa thuận AUKUS, dự kiến hoàn thành vào đầu những năm 2040.
Những dự án trị giá hàng tỷ USD này còn rất xa vời, trong khi các hạm đội hải quân hiện tại của Australia, đặc biệt là các tàu ngầm lớp Collins, đang dần trở nên già cỗi. Điều đó khiến Australia đối mặt với thực tế rằng hạm đội tàu ngầm của họ sẽ trở nên lỗi thời trước khi những chiếc mới có thể đi vào hoạt động.
Áp lực ngày càng tăng từ Trung Quốc cùng nhu cầu nhanh chóng sở hữu các tàu ngầm mới là động lực khiến Australia ráo riết thúc đẩy AUKUS. Nhưng hoài nghi về chương trình tàu ngầm hạt nhân này đang ngày càng tăng với hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Bao giờ chúng sẽ sẵn sàng? Liệu sẽ có công nghệ khác xuất hiện khiến chúng trở nên lỗi thời không? Liệu Australia, nước vốn không sở hữu ngành công nghiệp hạt nhân, có thể chế tạo chúng hay không?
“Tôi nghĩ chúng ta cần nghiêm túc xem xét khả năng Australia sẽ không bao giờ có được các tàu ngầm AUKUS”, Sam Roggeveen, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy, Australia, nói. AUKUS vẫn nhận được đồng thuận chính trị, nhưng giới chức cần “duy trì một động lực lớn rất” mới có thể giữ cho dự án tiếp tục, ông lưu ý.
Thực tế, dự án vẫn có vài bước tiến nhất định. Các cuộc thảo luận vẫn diễn ra giữa Mỹ, Anh và Australia. Các sĩ quan tàu ngầm Australia đang được huấn luyện trên tàu Anh và Mỹ. Bộ Quốc phòng Australia cũng đang đầu tư cho nguồn lực và chuyên môn cho tương lai vận hành tàu ngầm hạt nhân.
Marcus Hellyer, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết khoảng 250 nhân sự đã được phân vào nhóm chuyên trách tàu ngầm hạt nhân, khiến nhân lực của hải quân Australia bị kéo căng đáng kể.
Nhưng theo ông, đây khó có thể được coi là “thành quả” của thỏa thuận AUKUS. “Điều gì đang xảy ra sau những cánh cửa đóng kín?”, Hellyer đặt câu hỏi.
Ông lưu ý đến những khía cạnh không liên quan tới tàu ngầm của thỏa thuận AUKUS, như các điều khoản về chia sẻ công nghệ phương tiện tự hành dưới nước, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo, năng lực tác chiến mạng tiên tiến, vũ khí siêu vượt âm và công cụ đối phó, cũng như tác chiến điện tử.
“Rất nhiều thứ lẽ ra đang được thực hiện”, Hellyer nói. “Vậy điều mới mẻ mà AUKUS mang tới là gì?”.
Với vấn đề độ trễ của dự án, khi tiến độ chế tạo tàu ngầm mới không bắt kịp tốc độ xuống cấp của hạm đội tàu ngầm cũ, nhiều phương án nhằm bù đắp sức mạnh đã được đưa ra, từ chế tạo tàu ngầm không người lái, tới mua thêm tàu chiến hay oanh tạc cơ.
Đề xuất được đưa ra nhiều nhất là Australia nên mua một “tàu ngầm quá độ”. Cựu bộ trưởng Peter Dutton từng đề xuất mua hai tàu ngầm hạt nhân đang có trong biên chế hải quân Mỹ. Tuy nhiên, đề xuất này có vẻ nằm ngoài tầm với, bởi dây chuyền sản xuất tàu ngầm của cả Mỹ và Anh đều đang quá tải.
Dù vậy, Canberra vẫn còn những lựa chọn khác, như hiện đại hóa tàu ngầm lớp Collins đang trong biên chế. Australia cũng có thể đặt mua tàu ngầm từ Tây Ban Nha, Đức, Israel hay Thụy Điển. Kế hoạch hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm Collin từng được cân nhắc vào năm 2015, trước khi chính phủ cựu thủ tướng Tony Abbott công bố quy trình đánh giá cạnh tranh cuối cùng dẫn tới việc ký hợp đồng mua tàu ngầm với Pháp.
Mặt khác, giám đốc điều hành Mạng lưới Công nghiệp và Quốc phòng Australia (AIDN) Brent Clark cho biết các thành viên AIDN đang lo lắng về cách thức và mức độ họ sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng cho dự án AUKUS.
Một vấn đề đặt ra là các công ty quốc phòng Australia có nguy cơ bị Mỹ loại khỏi AUKUS. “Doanh nghiệp Australia rất dễ bị gạt sang một bên, bởi phía Mỹ sẽ nói ‘thông tin là tuyệt mật, chúng tôi không thể chuyển nó cho các bạn”, Clark nói.
Các công ty cũng lo lắng rằng họ không có thông tin chi tiết về những gì cần làm để tham gia dự án đóng tàu ngầm. “Sẽ là quá muộn nếu bạn không lập kế hoạch cho chuỗi cung ứng ngay từ bây giờ”, ông cảnh báo.
Một “tàu ngầm quá độ” có thể giảm đáng kể áp lực cho AUKUS, Roggeveen đánh giá, bởi khi đó AUKUS sẽ trở về đúng nghĩa là một “dự án phát triển”, một thỏa thuận “chia sẻ công nghệ”.
Ngoài ra, các rào cản khác đối với dự án còn có tình trạng thiếu hụt công nghệ, thiếu kỹ sư, thợ hàn, thợ đóng tàu cũng như những lo ngại toàn cầu về việc liệu động thái của Australia có thể đe dọa nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân hay không.
Hoài nghi cũng bủa vây khía cạnh chính trị của AUKUS. Theo Roggeveen, Australia nên lo lắng về việc các tàu ngầm hạt nhân mới sẽ trở nên “vô dụng” nếu tổng thống Mỹ vào những năm 2040 thay đổi ưu tiên đối ngoại của mình và không còn coi cạnh tranh với Trung Quốc và vấn đề cần quan tâm.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu người Mỹ không còn nghiêm túc với ý tưởng này? Chúng ta sẽ phải tự mình làm tất cả”, ông nói.
Hellyer bày tỏ quan ngại dù thực tế là Australia đang tụt lại sau Trung Quốc về năng lực quân sự, nhưng Bộ Quốc phòng nước này vẫn chưa hiểu rõ tính cấp bách của vấn đề.
Sách trắng quốc phòng năm 2009 tuyên bố rằng Australia cần có một hạm đội tàu ngầm mới. 10 năm trôi qua trước khi Pháp được chọn để cung cấp số tàu ngầm này bằng hợp đồng ký năm 2019. Giờ đây, khi hợp đồng với Pháp bị hủy, Australia sẽ phải chờ đợi thêm hàng chục năm nữa sau một thập kỷ lãng phí.
“Thế giới về cơ bản đã thay đổi. Trung Quốc đang phát triển những công nghệ và năng lực mới và họ sẽ không ngần ngại sử dụng chúng”, chuyên gia Hallyer nói. “AUKUS đang báo hiệu rằng chúng ta cần đẩy nhanh tất cả các quy trình. Các lãnh đạo quốc phòng có thể hiểu được điều đó, nhưng chưa thay đổi được cách bộ máy của họ vận hành hàng ngày”.