Quyết định từ chức của Thủ tướng Johnson sẽ giúp thay đổi “hình ảnh tồi tệ” của Anh trên trường quốc tế sau những bê bối liên tiếp, theo các chuyên gia.
“Hành vi thiếu trung thực, phá vỡ quy tắc của Thủ tướng Boris Johnsond đã khiến nước Anh trông thật tệ trong mắt bạn bè thế giới. Điều này làm tổn hại mối quan hệ giữa Anh và các đồng minh thân cận, những bên coi ông Johnson là một đối tác không đáng tin cậy”, Tiến sĩ Sean Kippin, giảng viên chính sách công tại Đại học Stirling, Anh, nói với VnExpress về quyết định từ chức của ông Johnson.
Thủ tướng Anh Johnson tuần trước thông báo rút khỏi vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ, sau những bê bối liên tiếp trong chính quyền, khiến loạt quan chức nội các từ chức. Ông nhiều khả năng tiếp tục giữ chức Thủ tướng tạm quyền tới ngày 5/9, thời điểm đảng Bảo thủ chọn xong lãnh đạo mới để kế nhiệm Johnson.
Tiến sĩ Kippin tin rằng quyết định từ chức của Thủ tướng Johnson sẽ mang lại tác động tích cực, giúp cải thiện trong ngắn hạn hình ảnh của Vương quốc Anh trên trường quốc tế, cũng như vị thế của London trong các liên minh như NATO, G7.
Ông Johnson nhậm chức ngày 23/7/2019, với cam kết thúc đẩy nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit. Trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, ông từng nhận được ủng hộ mạnh mẽ từ các thành viên nội các.
Nhưng hàng loạt bê bối gần đây đã nhấn chìm tất cả, khi ông có những hành động “phá luật” như đình chỉ quốc hội bất hợp pháp, dự tiệc giữa phong tỏa, hay dùng tiền công để tân trang căn hộ ở Phố Downing. Thủ tướng Anh cũng đề bạt một nghị sĩ đảng Bảo thủ bị cáo buộc quấy rối tình dục, khiến các thành viên đảng Bảo thủ ngày càng bất mãn và không muốn dành thêm cho ông bất kỳ “đường lùi” nào.
Các nhà phân tích cho rằng sau loạt bê bối trong chính quyền, hình ảnh và vị thế trên trường quốc tế của Anh có thể được cải thiện đến đâu sẽ phụ thuộc vào thủ tướng tiếp theo là ai.
London có thể tạo dựng được vị thế quốc tế tốt hơn nếu thủ tướng mới có phong cách phù hợp và tầm nhìn thực tế hơn, theo Keir Giles, nhà phân tích quốc phòng tại viện nghiên cứu Chatham House ở Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia đều nhận định nước Anh thời kỳ hậu Johnson sẽ không phá bỏ những di sản quan trọng nhất của ông, gồm Brexit và chính sách với Ukraine.
Theo ông Kippin, những gương mặt sáng giá nhất hiện nay cho vị trí tân thủ tướng là cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, cựu bộ trưởng quốc phòng Penny Mordaunt, chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại quốc hội Anh Tom Tugendhat và Ngoại trưởng Liz Truss.
Dù có những bất đồng nhỏ về mức độ cắt giảm thuế và chi tiêu công, các ứng viên này đều có quan điểm chính trị khá tương đồng và đạt mức độ đồng thuận cao về Brexit. Do đó, bất cứ ai thay thế Thủ tướng Johnson cũng sẽ không đảo ngược tiến trình này.
“Bất chấp những hậu quả kinh tế mà Brexit gây ra, Anh chắc chắn không gia nhập lại Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai gần”, tiến sĩ Kippin nói.
Simon Griffiths, giáo sư chính trị tại Goldsmiths thuộc Đại học London, đồng tình với nhận định đó.
“Các nghị sĩ và thành viên đảng Bảo thủ đều có quan điểm chính trị tương đối nhất quán. Rất ít người trong số họ sẽ cân nhắc gia nhập lại EU nên khả năng này gần như không thể xảy ra trong thời gian tới. Ngay cả Công đảng đối lập cũng chấp nhận Brexit. Vì vậy, Brexit sẽ không thay đổi“, theo giáo sư Griffiths.
Bên cạnh Brexit, nỗ lực ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga cũng được xem là một dấu ấn đáng chú ý trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Johnson.
Từ khi xung đột Nga – Ukraine bùng phát hồi cuối tháng hai, Thủ tướng Johnson là một trong những người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất chiến dịch quân sự của Moskva, đặc biệt là tại các diễn đàn lớn như hội nghị thượng đỉnh G7 hay NATO. Nước Anh dưới thời Johnson đã cung cấp 4,5 tỷ USD hỗ trợ Ukraine, trở thành nước viện trợ lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Mỹ.
Điều này khiến giới chức Ukraine và nhiều người lo ngại sự ra đi của ông Johnson có thể để lại khoảng trống lớn trong nỗ lực hỗ trợ Kiev. Tuy nhiên, chuyên gia Giles không cho rằng kịch bản này sẽ xảy ra.
“Ông Johnson là người nổi bật trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine, nhưng toàn bộ chính phủ và người dân Anh đều ủng hộ điều đó. Do vậy, sự ra đi của ông ấy không tác động đáng kể đến chính sách với Kiev”, ông Giles nói.
Giáo sư Griffiths cũng nhận định ông Johnson từ chức không khiến Anh thay đổi quan điểm về xung đột ở Ukraine. “Không ứng viên thủ tướng Anh nào sẽ có lập trường khác, tất cả đều ủng hộ Ukraine một cách mạnh mẽ”, ông nói.
Theo tiến sĩ Kippin, chính quyền mới ở London sẽ duy trì lâu dài chính sách ủng hộ Ukraine trong thời kỳ hậu Johnson. “Một thay đổi có thể thấy là thủ tướng tiếp theo sẽ không lấy Ukraine làm cái cớ để biện minh cho những thất bại chính trị và bê bối trong nước như cách ông Johnson thường làm”, ông nói.
Dự báo về tương lai chính trị Anh, các chuyên gia tin rằng ông Johnson nhiều khả năng sẽ tìm cách trở lại với chiếc ghế quyền lực nhất ở số 10 Phố Downing.
“Johnson là chính trị gia rất tham vọng và tôi chắc rằng ông ấy thiên về kịch bản này. Nhưng ông ấy khó có khả năng tìm được hướng đi thành công để trở thành thủ tướng lần nữa”, giáo sư Griffiths nhận định.
Tiến sĩ Kippin cũng cho rằng nếu tìm cách khôi phục quyền lực, ông Johnson sẽ bị cản trở bởi những quy tắc của đảng Bảo thủ và đối mặt nhiều chông gai do đã đánh mất sự ủng hộ của công chúng. “Ngay cả khi có thể thay đổi các quy tắc trong đảng, Johnson chắc chắn sẽ thua trong bất kỳ cuộc tranh cử nào”, ông nói.