Thủ tướng Anh: Thế giới cần ‘hiệp ước đại dịch’, khẳng định SARS-CoV-2 từ Trung Quốc

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng với ‘hiệp ước đại dịch’, các quốc gia ký kết đảm bảo rằng họ đóng góp tất cả dữ liệu mình có, từ đó giúp hiểu tường tận những gì đã diễn ra, ngăn đại dịch tái diễn.

Ngày 15-2, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố các cường quốc thế giới nên ký kết một hiệp ước toàn cầu về các đại dịch, nhằm đảm bảo tính minh bạch sau đợt bùng phát COVID-19 với những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc, theo Hãng tin Reuters.

Nhà lãnh đạo Anh cho biết ông thiết tha ký kết một hiệp ước đại dịch như trên, mà trong đó các quốc gia nhất trí chia sẻ dữ liệu. Phát biểu này đưa ra giữa bối cảnh Anh và Mỹ quan ngại về mức độ tiếp cận dữ liệu mà nhóm chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận được khi đến Trung Quốc.

Đọc Thêm:  Một loại vaccine tiềm năng nhất đã được các nhà khoa học Ý tạo ra có thể vô hiệu hóa được virus SARS-CoV-2 trong tế bào người.

Khi được Hãng tin Reuters đặt câu hỏi về những động thái mà ông muốn thực hiện để cải thiện tính minh bạch, Thủ tướng Johnson nói: “Tôi nghĩ, điều mà thế giới cần là một thỏa thuận chung về cách thức chúng ta theo dõi dữ liệu xoay quanh các đại dịch lây truyền qua động vật. Và chúng ta muốn một thỏa thuận chung về tính minh bạch”.

Ông cho rằng đề xuất về hiệp định đại dịch toàn cầu là một trong những ý tưởng hấp dẫn được đưa ra trong vài tháng qua.

Khi có được một hiệp ước như vậy, “các quốc gia ký kết đảm bảo rằng họ đóng góp tất cả dữ liệu mà họ có, và chúng ta có thể hiểu được tường tận những gì đã diễn ra, đồng thời ngăn đại dịch đó tái diễn”, theo ông Johnson.

Đọc Thêm:  Bệnh nhân COVID-19 dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất là khi nào?

Ngoài ra, khi được hỏi ông sẽ bắt ai chịu trách nhiệm cho vấn đề thiếu minh bạch về nguồn gốc đại dịch COVID-19, ông Johnson nói: “Theo tôi, khá rõ ràng rằng hầu hết bằng chứng dường như chỉ ra dịch bệnh này bắt nguồn ở Vũ Hán”.

Theo Hãng tin Reuters, ông Johnson hiện muốn dẫn dắt nỗ lực về việc đạt được cách tiếp cận toàn cầu với các đại dịch, gồm một hệ thống cảnh báo sớm. Với các ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc cuối năm 2019, đến nay COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 2,4 triệu người trên thế giới.

Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói rằng ông có chung quan ngại với Mỹ về mức độ tiếp cận dữ liệu mà nhóm chuyên gia WHO nhận được khi đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc COVID-19

Theo: Tuổi trẻ

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.