Quyền lực mềm của Nữ hoàng gắn kết Vương quốc Anh

Khi người Scotland bỏ phiếu về việc tách khỏi Vương quốc Anh vào tháng 9/2014, vai trò của Nữ hoàng Elizabeth II bị thách thức nghiêm trọng.

Lúc bấy giờ, lãnh đạo đảng Quốc gia Scotland (SNP) Alex Salmond đã cam kết rằng nếu các cử tri ủng hộ việc rời khỏi Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Nữ hoàng Elizabeth II sẽ vẫn là “Nữ hoàng của Scotland”.

Các cuộc thăm dò ý kiến vào thời điểm đó cho thấy Salmond đã đánh giá chính xác tầm quan trọng của Nữ hoàng, khi 52% người dân vẫn muốn bà là người trị vì của họ. Tuy nhiên, ông đã đánh giá sai về quan điểm của người dân Scotland đối với việc tách khỏi Vương quốc Anh, khi chỉ có 45% số người đồng tình trong cuộc bỏ phiếu.

Nữ hoàng Elizabeth II chuẩn bị phát biểu trong lễ khai mạc một kỳ họp của quốc hội ở London, Anh, hồi tháng 5 năm ngoái. Ảnh: Reuters
Nữ hoàng Elizabeth II chuẩn bị phát biểu trong lễ khai mạc một kỳ họp của quốc hội ở London, Anh, hồi tháng 5 năm ngoái. Ảnh: Reuters

Trong số nhiều bài học của phong trào vận động Scotland rời khỏi Vương quốc Anh, điều được các chính trị gia Scotland rút ra là Nữ hoàng Elizabeth II không phải một phần của vấn đề.

Nhưng với Bắc Ireland, điều ngược lại đã đúng trong phần lớn thời gian trị vì của bà. 30 năm bạo lực đẫm máu tại nước này giữa những người theo đường lối liên hiệp với những người theo chủ nghĩa dân tộc đã khiến Ireland rơi vào cảnh chia cắt.

Những người theo chủ nghĩa liên hiệp trung thành với quân vương và các giá trị truyền thống của Anh. Trong khi đó, với những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland, hoàng gia là hình ảnh đại diện cho quá khứ mà người Anh đã chinh phạt tổ tiên và thôn tính đất đai của họ.

Bá tước Louis Mountbatten, chú của Hoàng thân Philip, phó vương cuối cùng của Ấn Độ, cùng với một số con cháu đã thiệt mạng trong vụ ám sát bằng bom gài trên thuyền do các thành viên Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) thực hiện năm 1979. Thông điệp mà IRA gửi tới hoàng gia Anh rất rõ ràng: Dòng máu hoàng gia là mục tiêu bị nhắm đến.

Câu trả lời công khai đầu tiên của Nữ hoàng với thông điệp đó chỉ được đưa ra nhiều năm sau. Trong chuyến thăm Bắc Ireland vào năm 2012, sau khi Hiệp ước Thứ sáu Tuần Thánh được ký giữa chính phủ Cộng hòa Ireland, chính phủ Anh và các đảng phái ở Bắc Ireland tháng 4/1998, Nữ hoàng Elizabeth II đã bắt tay một trong những người liên quan trực tiếp nhất tới các cuộc bạo lực đẫm máu trước đây, Phó thủ hiến Ireland Martin McGuinness.

McGuinness là thành viên đảng Sinn Féin và là người có liên hệ chặt chẽ với chiến dịch bạo lực của IRA nhằm cắt đứt mối liên hệ với Anh để tiến tới thống nhất toàn bộ Ireland.

Đọc Thêm:  Những câu chuyện thêu dệt thuyết âm mưu về Covid-19 gây ra cuộc biểu tình lớn tại Anh
Nữ hoàng Elizabeth II bắt tay Phó thủ hiến Ireland Martin McGuinness hồi tháng 6/2012. Ảnh: Reuters.
Nữ hoàng Elizabeth II bắt tay Phó thủ hiến Ireland Martin McGuinness hồi tháng 6/2012. Ảnh: Reuters.

Việc các quan chức chính phủ đề nghị Nữ hoàng bắt tay ông McGuinness nói lên sức mạnh của bà đối với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Bà không phải là Liên hiệp, nhưng là biểu tượng của nó.

Những người Cộng hòa theo chủ nghĩa dân tộc Ireland của McGuinness đã phải miễn cưỡng kết thúc “cuộc đấu tranh vũ trang” của họ và hiện tại vẫn là một phần của Liên hiệp.

Nic Robertso, bình luận viên kỳ cựu của CNN, cho rằng Nữ hoàng Elizabeth II là nguồn sức mạnh giúp đoàn kết đất nước. Bà đã sử dụng quyền lực mềm của mình một cách tinh tế và kín đáo, với mục đích duy nhất là gìn giữ thể thống nhất cho Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, cũng như dấu ấn của hoàng gia và khối Thịnh vượng chung.

Nữ hoàng đã thấu hiểu và dàn xếp những khía cạnh phức tạp trong mối quan hệ giữa Edinburgh với London theo cách mà các chính trị gia Anh, đặc biệt là những người Bảo thủ, khó có thể làm được, theo Robertso.

Khả năng này cùng với việc Nữ hoàng luôn gạt sang một bên các vấn đề cá nhân với những người theo đuổi chủ nghĩa dân tộc Ireland đã nói lên nhiều điều về cách Nữ hoàng đóng góp cho mối gắn kết của Vương quốc Anh, giới quan sát đánh giá.

Không phải ngẫu nhiên mà phu quân quá cố của Nữ hoàng, Hoàng thân Philip, được phong là Công tước xứ Edinburgh, hay con trai bà, Vua Charles III, có tước hiệu là Thân vương xứ Wales hay cháu trai bà, Thái tử William, Công tước xứ Cambridge, cũng được phong là Bá tước Strathearn của Scotland. Là người thừa kế ngai vàng, William hiện còn kế thừa danh hiệu Công tước Rothesay của Scotland trước đây do cha anh nắm giữ.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà Nữ hoàng đã dành nhiều tháng trong năm tới nghỉ tại lâu đài Balmoral ở Scotland. Ở Balmoral, Nữ hoàng đã thực hiện một trong những nhiệm vụ cuối cùng của mình khi bổ nhiệm bà Liz Truss làm Thủ tướng Anh hôm 6/9. Chỉ hai ngày sau sự kiện này, Nữ hoàng qua đời.

Suốt những năm tháng trị vì, Nữ hoàng Elizabeth II đã xây dựng thiện cảm với tất cả người dân Vương quốc Anh. Sức mạnh thống nhất của bà là một thứ quyền lực mềm nhưng thực chất, Robertso nhận xét.

Nữ hoàng chưa bao giờ tuyên bố rằng bà cảm thấy mình giống người Anh hơn người Scotland hay dành tình cảm ít hơn cho người Bắc Ireland hơn người xứ Wales. Đối với nhiều người dân ở tất cả các vùng của Vương quốc Anh, Nữ hoàng là hiện thân cho tính nhất quán, phong tục và tính tiếp nối. Con trai Nữ hoàng, Vua Charles III, giờ đây cũng có thể sẽ kế thừa những nỗ lực của bà.

Đọc Thêm:  Chính phủ Anh chấp nhận cú quay đầu mất mặt
Vua Charles III trong lễ tấn phong được tổ chức vào ngày 10/9. Ảnh: Reuters.
Vua Charles III trong lễ tấn phong được tổ chức vào ngày 10/9. Ảnh: Reuters.

Mặc dù đã có những tranh cãi về cuộc hôn nhân giữa ông với Công nương xứ Wales Diana quá cố, cũng như cuộc hôn nhân với Vương hậu Camilla, người vợ hiện tại, Vua Charles III chưa bao giờ thể hiện ông nghiêng về một khu vực nào của Liên hiệp hơn so với phần còn lại.

Theo giáo sư Thom Brooks, hiệu trưởng Đại học Durham, thời khắc chuyển giao vương triều từ Nữ hoàng sang con trai bà, Vua Charles III, là “một khoảnh khắc lịch sử lớn lao”. Tuy nhiên, tân vương của Anh cũng có thể đối mặt thử thách phức tạp trong nhiệm vụ gắn kết đất nước.

Vua Charles III kế thừa ngai vàng vào thời điểm mà chế độ quân chủ vẫn được đón nhận ở Anh, với tỷ lệ ủng hộ lên đến 62%, theo một cuộc thăm dò hồi tháng 6.

Nhưng tình cảm của người dân và lòng ngưỡng mộ dành cho Nữ hoàng không gắn liền với ủng hộ dành cho hoàng gia nói chung, đặc biệt là sau lùm xùm gần đây liên quan tới vợ chồng Harry – Meghan, cũng như những cáo buộc tấn công tình dục mà Hoàng tử Andrew từng phải đối mặt.

Bài kiểm tra lớn nhất đang chờ đợi Vua Charles III là liệu ông có thể xây dựng một “hào quang” bình lặng nhưng kiên định như Nữ hoàng Elizabeth II để duy trì khối đoàn kết đất nước hay không, bình luận viên Yasmeen Serhan từ Time đánh giá.

Nữ hoàng, người lên ngôi khi mới 25 tuổi, có cả cuộc đời để chứng tỏ bản thân. Vua Charles III, người đang ở tuổi 73, là quốc vương già nhất lên ngôi trong lịch sử nước Anh, sẽ không có được lợi thế tương tự.

“Vua Charles III có khuynh hướng hoạt động xã hội”, có lẽ bởi công việc chính của ông là theo đuổi sở thích cá nhân thông qua các quỹ và tổ chức từ thiện, Richard Fitzwilliams, chuyên gia về hoàng gia Anh, nhận xét.

“Nhà vua chưa có sức ảnh hưởng lớn và quyền lực mềm như những gì Nữ hoàng Elizabeth II đã vun đắp rất thành công trong suốt cuộc đời”, Brooke Newman, nhà sử học nghiên cứu về nước Anh cận đại từ Đại học Virginia Commonwealth, bình luận.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.