Nga triệu Đại sứ Anh tại Moskva và cảnh báo London về “hậu quả nguy hiểm” sau khi cáo buộc nước này giúp Ukraine tấn công Hạm đội Biển Đen.
Bộ Ngoại giao Nga hôm nay triệu Đại sứ Anh tại Moskva Deborah Bronnert để “phản đối mạnh mẽ” về cáo buộc “các chuyên gia Anh” liên quan vụ tập kích cảng Sevastopol ở bán đảo Crimea tuần trước. Cơ quan này khẳng định các lực lượng Anh đang huấn luyện đặc nhiệm Ukraine, bao gồm “hoạt động phá hoại trên biển”.
Bà Bronnert đến tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga, trong khi dòng người biểu tình hô vang “Anh là nước khủng bố”. Bộ Ngoại giao Nga nói với bà Bronnert rằng những hành động của Anh là “khiêu khích thù địch”.
“Những hành động đối đầu như vậy của người Anh có nguy cơ leo thang tình hình và có thể dẫn đến những hậu quả nguy hiểm, khó lường”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay. “Một yêu cầu đã được đưa ra để ngăn chặn những hành động này ngay lập tức”.
Nga hôm 29/10 thông báo 9 máy bay không người lái (UAV) và 7 tàu không người lái (USV) đã tiến hành đợt tập kích nhằm vào cảng Sevastopol, khiến tàu quét mìn Ivan Golubets bị hư hại. Bộ Quốc phòng Nga sau đó tuyên bố trục vớt được một USV do quân đội Ukraine vận hành “với sự hỗ trợ của phía Anh” và được cho là trang bị “mô-đun dẫn đường do Canada sản xuất”.
Nga cũng cáo buộc các chuyên gia quân sự Anh đang huấn luyện lực lượng đặc nhiệm Ukraine ở thành phố Ochakiv, miền nam nước này, “bao gồm huấn luyện lính đặc công dưới nước cho các hoạt động ở Biển Đen và biển Azov”.
Điện Kremlin cũng tuyên bố đình chỉ thực thi thỏa thuận ngũ cốc với cáo buộc Ukraine tập kích cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea và đe dọa các chiến hạm thuộc Hạm đội Biển Đen tham gia đảm bảo an ninh hành lang ngũ cốc. Tuy nhiên, Moskva hôm 2/11 thông báo nối lại thỏa thuận này vì đã nhận được đảm bảo an ninh đầy đủ từ Kiev.
Nga hôm 1/11 còn cáo buộc Anh “chỉ đạo và điều phối” các vụ nổ trên đường ống khí đốt Nord Stream. Nga sau đó tiếp tục đặt nghi vấn về tin nhắn “Xong rồi” được cho là do cựu thủ tướng Anh Liz Truss gửi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken một phút sau vụ nổ đường ống khí đốt.
Anh phủ nhận những cáo buộc của Nga, cho rằng Moskva “dựng kịch” để đánh lạc hướng chú ý của dư luận khỏi tình hình ở Ukraine.
Mối quan hệ giữa Nga và Anh xuống cấp trong nhiều năm qua, đặc biệt từ sau khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Anh là bên hỗ trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ, với giá trị cam kết năm 2022 là 2,3 tỷ bảng. Anh cũng đào tạo 27.000 binh sĩ Ukraine kể từ năm 2015, cung cấp hàng trăm rocket, 5 hệ thống phòng không, 120 phương tiện bọc thép và nhiều thiết bị quân sự khác.
Nga đã thiết lập danh sách “quốc gia không thân thiện”, gồm gần 50 nước áp lệnh trừng phạt với Moskva, trong đó có Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Anh, Australia, các nước EU và Nhật Bản. Nga yêu cầu những nước này thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, dừng chương trình đơn giản hóa thủ tục visa và áp đặt một số hạn chế thương mại.