Linh cữu Nữ hoàng Anh được quàn thế nào?

Linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II sẽ được quàn trên bục cao trong nhiều ngày tại Đại sảnh Westminster ở London, được bảo vệ 24/24 khi người dân đến viếng.

Linh cữu Nữ hoàng Anh Elizabeth II ngày 11/9 được chuyển từ lâu đài Balmoral tới cung điện Holyroodhouse ở Edinburgh, thủ phủ Scotland, sau đó được quàn tại nhà thờ St Giles trong hôm nay để người dân Scotland có thể đến viếng và bày tỏ lòng thương tiếc.

Scotland Herald cho biết người dân đến viếng Nữ hoàng tại nhà thờ St Giles không được phép chụp ảnh hoặc ghi hình. Giới chức Scotland cảnh báo người dân có thể phải xếp hàng chờ trong nhiều giờ và cần chú ý đến thời tiết.

Đến ngày 13/9, linh cữu Nữ hoàng sẽ từ Edinburgh về London bằng máy bay, đến Cung điện Buckingham, sau đó chuyển tới quàn tại Đại sảnh Westminster, tòa nhà lâu đời nhất trong khuôn viên quốc hội Anh. Linh cữu sẽ được quàn tại đây từ ngày 14/9 đến sáng 19/9, rồi được rước về Tu viện Westminster để tiến hành tang lễ.

Giai đoạn quàn linh cữu thường được dành cho các quốc chủ và đôi khi là cựu thủ tướng Anh. Trong giai đoạn này, linh cữu người đã khuất được đặt trên bục cao, phủ cờ hoàng gia, vương miện cùng các món đồ hoàng gia như quyền trượng và được lính tiêu binh danh dự canh gác 24/24.

Đọc Thêm:  Anh: Xét nghiệm Covid-19 chỉ mất 20 phút sẽ cho ra kết quả và đang được thử nghiệm để vận hành bằng pin.
Người dân Anh xếp hàng vào viếng Vương mẫu hậu Elizabeth tại Đại sảnh Westminster, London, năm 2002. Ảnh: PA.
Người dân Anh xếp hàng vào viếng Vương mẫu hậu Elizabeth tại Đại sảnh Westminster, London, năm 2002. Ảnh: PA.

Các thành viên hoàng gia có thể tham gia túc trực bên linh cữu vào thời điểm nhất định, theo nghi thức truyền thống gọi là Các hoàng tử Canh thức (Vigil of the Princes). Nếu Vương nữ Vương thất Anne đứng túc trực bên linh cữu Nữ hoàng, bà sẽ là thành viên nữ đầu tiên của hoàng gia Anh thực hiện nghi thức này.

Đại sảnh Westminster sẽ mở cửa 24 giờ mỗi ngày trong thời gian linh cữu Nữ hoàng được quàn tại đây. Người dân dự kiến được bắt đầu đến viếng từ 17h ngày 14/9 đến 6h30 ngày 19/9.

Stuart Cundy, phó trợ lý cảnh sát trưởng London, cho biết họ sẽ bổ sung hàng trăm cảnh sát để điều tiết đám đông tại lễ viếng, áp dụng cấp độ an ninh như ở sân bay.

“Nếu muốn đến viếng Nữ hoàng, xin hãy lưu ý hàng người chờ vào Đại sảnh Westminster dự kiến rất dài”, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh cho biết. “Bạn sẽ phải đứng chờ nhiều giờ, có thể qua đêm, có rất ít thời gian để ngồi nghỉ bởi dòng người di chuyển liên tục”.

Đọc Thêm:  Hàng trăm bức tranh ẩn chứa lời thú tội của kẻ sát nhân

Người dân không được phép mang hoa, nến hay thú bông vào Đại sảnh Westminster. Họ cần giữ im lặng, không chụp ảnh và được cấp một vòng đeo tay để tránh trường hợp xếp hàng hộ. Lực lượng an ninh sẽ liên tục rà soát để xử lý các hành vi gây rối như chen hàng, say xỉn.

Thân vương xứ Wales Charles (hiện là Vua Charles III) túc trực bên linh cữu Vương hậu Mary năm 2002. Ảnh: PA.
Thân vương xứ Wales Charles (hiện là Vua Charles III) túc trực bên linh cữu Vương mẫu hậu Elizabeth năm 2002. Ảnh: PA.

Linh cữu quốc chủ Anh đầu tiên được quàn tại Đại sảnh Westminster là Vua Edward VII năm 1910, tiếp theo là Vua George V (năm 1936), Vua George VI (cha của Nữ hoàng, năm 1952), Vương hậu Mary (bà ngoại của Nữ hoàng, năm 1953) và Vương mẫu hậu Elizabeth (mẹ của Nữ hoàng).

Khi linh cữu Vương mẫu hậu Elizabeth được quàn tại Đại sảnh Westminster năm 2002, 4 cháu trai của bà đã túc trực, gồm Thân vương xứ Wales Charles (hiện là Vua Charles III), Hoàng tử Andrew, Hoàng tử Edward và Tử tước Linley.

Linh cữu người ngoài hoàng gia hiếm khi quàn tại Đại sảnh Westminster, với hai trường hợp ngoại lệ là cựu thủ tướng William Gladstone năm 1898 và Winston Churchill năm 1965.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.