Di sản hỗn loạn trong nhiệm kỳ Thủ tướng Johnson

Thủ tướng Johnson đưa Anh rời EU, nhưng nhiệm kỳ của ông cũng trở nên hỗn loạn với những biến động về kinh tế và nhiều bê bối trong chính quyền.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tuần qua đối mặt với một cuộc nổi dậy công khai trong chính nội các của mình, khi hàng loạt bộ trưởng, thứ trưởng nộp đơn từ chức, buộc ông phải tuyên bố rút khỏi ghế lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Với quyết định này, ông Johnson chấm dứt nhiệm kỳ Thủ tướng chưa đầy ba năm của mình, để lại di sản Brexit không chắc chắn và một tương lai u ám cho nước Anh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một buổi họp báo tại London năm ngoái. Ảnh: NY Times.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tại một buổi họp báo tại London năm ngoái. Ảnh: NY Times.

Tình hình ở Anh hiện tại được cho là gần giống với những năm 1970, thời kỳ nền kinh tế bị thu hẹp, lạm phát tăng vọt và các cuộc đình công nổ ra trên diện rộng. Nước Anh chưa thực sự lặp lại kỷ nguyên này, nhưng mối đe dọa đang hiện hữu.

Lạm phát ở Anh đã chạm ngưỡng 9,1%, mức cao nhất trong 4 thập kỷ, do ảnh hưởng từ đại dịch và xung đột Ukraine. Áp lực chi phí buộc các công ty phải tăng giá sản phẩm, trong khi người lao động yêu cầu mức lương cao hơn để ứng phó với chi phí sinh hoạt gia tăng.

Các gia đình Anh đang phải siết chặt chi tiêu khi tiền lương không bắt kịp tốc độ lạm phát. Thu nhập hộ gia đình dự kiến giảm 2% trong năm nay, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát. Đó là điều tồi tệ nhất kể từ năm 1945, theo Oxford Economics.

“Đây là khoảng thời gian thực sự khó khăn đối với rất nhiều người”, Andrew Goodwin, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, nói. “Với các hộ gia đình thu nhập thấp, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi những thứ mà họ chi tiêu nhiều như thực phẩm, xăng dầu và năng lượng đang tăng giá nhanh nhất. Do đó, tỷ lệ lạm phát của họ sẽ còn cao hơn”.

Khi tiền lương không bắt kịp tốc độ lạm phát, người lao động kêu gọi đình công, khiến nước Anh rơi vào một mùa hè bất ổn. Khoảng 40.000 nhân viên đường sắt Anh hôm 21/6 tham gia cuộc đình công lớn nhất ba thập kỷ, khiến giao thông đường sắt tê liệt. Nhân viên y tế, bưu điện và giáo viên là những nhóm có khả năng đình công cao trong vài tháng tới.

Tình trạng bất ổn và nỗi bất bình của người dân phản ánh áp lực kinh tế đối với nhiều hộ gia đình Anh. Thủ tướng Johnson và bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, người từ chức hôm 5/7, đã cố gắng giảm bớt một số gánh nặng với người dân vào tháng 5, khi công bố đợt hỗ trợ chi phí sinh hoạt và giảm các hóa đơn khác.

Nhưng khó khăn đã lan rộng trong các gia đình có thu nhập thấp hơn, những người không thể tiết kiệm tiền trong thời kỳ đại dịch. Nhiều người phải dựa vào ngân hàng thực phẩm để sống sót trong thời gian đại dịch, ngay cả trước khi lạm phát tăng vọt.

Đọc Thêm:  Boris Johnson gặp ứng viên hàng đầu cho ghế thủ tướng Anh

Việc ông Johnson từ chức khiến chính phủ Anh có thể đối mặt nhiều thách thức trong giải quyết vấn đề kinh tế, đặc biệt là trong thông qua các khoản ngân sách tiếp theo. Đối với các nhà đầu tư và phân tích kinh tế, câu hỏi quan trọng là tương lai chính sách tài khóa là gì và liệu một thủ tướng mới có đảo ngược chính sách tăng thuế với người lao động hay không.

Dù nhiều quốc gia khác cũng hứng cú sốc kinh tế như Anh, tình hình của London được xem là đặc biệt khó khăn. “Những cú sốc này đang phơi bày các vấn đề đã tồn tại trong một thời gian dài và khiến nền kinh tế trở nên bấp bênh hơn nhiều”, Jagjit S. Chadha, giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia Anh, nói.

Viện nghiên cứu này dự đoán kinh tế Anh sẽ khó có khả năng tăng trưởng trong năm nay và năm tới. Ông Chadha cũng cho biết Brexit là một “đòn giáng chậm” vào nền kinh tế Anh, dẫn tới giảm tăng trưởng khi các rào cản thương mại xuất hiện. Nhiều công dân Liên minh châu Âu (EU) rời khỏi thị trường lao động Anh và những bấp bênh trong chính sách hậu Brexit đã khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng.

“Đây là bức tranh u ám mà thủ tướng Anh tiếp theo và nội các của họ phải đối mặt”, ông nói.

Andrew Bailey, thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, tháng trước nói rằng nền kinh tế nước này “có lẽ đang suy yếu sớm hơn và nhiều hơn những nền kinh tế khác”.

Để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Anh tháng 12 năm ngoái quyết định tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Kế hoạch tăng thêm lãi suất sẽ trở nên không chắc chắn khi các nhà hoạch định chính sách cố tìm cách cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế. Oxford Economics dự đoán nền kinh tế Anh tiếp tục trì trệ trong năm tới.

Chương trình nghị sự kinh tế của ông Johnson là động lực để “nâng cấp” đất nước trong một kế hoạch nhằm giảm bất bình đẳng. Nhưng với nhiều nhà phân tích, kế hoạch này đã thất bại vì thiếu tính cụ thể. Họ nói kế hoạch xây dựng một nền kinh tế lương cao, kỹ năng cao và năng suất cao của ông chỉ được vẽ ra trên giấy mà không có hành động cụ thể nào.

“Chắc chắn đây là một ý tưởng hay, nhưng không có kết quả. Rất nhiều kế hoạch như thế chỉ mãi là ý tưởng mà không được thực hiện”, nhà kinh tế Goodwin nói.

Đọc Thêm:  Chủ nhà hàng gốc Việt bị dọa giết vì biểu tình ủng hộ Trump

Một trong những di sản đáng tự hào nhất của ông Johnson trong nhiệm kỳ là hoàn thành Brexit, theo giới quan sát. Nhưng khi quá trình đó tiếp tục sa lầy vì căng thẳng liên quan tới Ireland, di sản Brexit của ông cũng trở nên không chắc chắn. Người dân Anh đang không nhìn thấy lợi ích kinh tế từ quyết định rời EU.

Đối với nhiều ngành công nghiệp, trong đó có cả nông nghiệp, xây dựng và khách sạn, di sản Brexit khiến lực lượng lao động giảm. Đối với các doanh nghiệp nhỏ xuất khẩu sang EU, Brexit khiến chi phí tăng và có thêm nhiều quy định. Các rào cản thương mại cũng làm trầm trọng thêm lạm phát, theo các nhà kinh tế.

“Chúng tôi đã rời EU trên lý thuyết, nhưng chưa thay thế nó bằng một loại hiệp định thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng tốt hơn. Chúng tôi chưa thực sự Brexit như cách mà mọi người nói chúng tôi sẽ làm”, ông Chadha nói.

Biểu tình phản đối Thủ tướng Boris Johnson và đảng Bảo thủ tại London, Anh hôm 6/7. Ảnh: Reuters.
Biểu tình phản đối Thủ tướng Boris Johnson và đảng Bảo thủ tại London, Anh hôm 6/7. Ảnh: Reuters.

Sau khi dẫn dắt Anh rời EU vào năm 2020, Thủ tướng Johnson không có nhiều kế hoạch cho những việc cần làm tiếp theo. Ông nhanh chóng vấp từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác khi đại dịch Covid-19 nhấn chìm nước Anh.

Giới quan sát cho rằng giống như Brexit, đại dịch Covid-19 cũng thể hiện sự hỗn loạn trong cách điều hành của Thủ tướng Johnson. Ông hứng nhiều chỉ trích vì phản ứng chậm chạp trong giai đoạn đầu, khiến Anh trở thành một “điểm tối” ở châu Âu và là quốc gia đầu tiên ở châu lục này ghi nhận 150.000 ca tử vong do Covid-19 hồi đầu tháng 1.

Tuy nhiên, Anh cũng là nước đi đầu trong sản xuất và phân phối vaccine để vượt qua làn sóng dịch tồi tệ. Dù chèo lái Anh vượt qua đại dịch, Thủ tướng Anh đã rút cạn kiên nhẫn và ủng hộ của đảng Bảo thủ cũng như cử tri vì “sự thiếu trung thực”, từ bê bối tiệc tùng tại Phố Downing giữa phong tỏa, tới tìm cách lợi dụng nguồn tài trợ của đảng để cải tạo căn hộ riêng, hay những tố cáo về hành vi quấy rối tình dục liên quan đến thành viên cấp cao trong đảng.

Khi thông tin Thủ tướng Johnson từ chức bắt đầu lan truyền, nhiều người Anh bày tỏ cảm giác nhẹ nhõm.

“Ông ấy từ chức càng sớm càng tốt. Ông ấy đã đẩy chính phủ và Vương quốc Anh vào cảnh bất đồng”, Francis Jackson, 63, sĩ quan cảnh sát về hưu ở Manchester, nói.

Christopher Meade, cư dân Anh 71 tuổi, đồng tình. “Đã đến lúc rồi. Ông ấy là một thủ tướng không tốt. Đó là thảm họa của đất nước này”, ông nói.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.