Bãi chôn 8.000 xương ếch bí ẩn thời Đồ Sắt

Số lượng xương ếch khổng lồ dưới con mương dài 14 m cạnh một khu định cư niên đại khoảng 2.000 năm khiến các nhà khoa học bối rối.

Nhà khảo cổ học động vật Vicki Ewens phân tích số xương ếch được tìm thấy tại Bar Hill. Ảnh: MOLA/Andy Chopping
Nhà khảo cổ học động vật Vicki Ewens phân tích số xương ếch được tìm thấy tại Bar Hill. Ảnh: MOLA/Andy Chopping

Các nhà khảo cổ kinh ngạc khi phát hiện hơn 8.000 xương ếch tại con mương dài 14 mét bên cạnh một ngôi nhà tròn cổ xưa ở Bar Hill, tây bắc Cambridge, nơi có một khu định cư tồn tại giữa và cuối thời Đồ Sắt (từ năm 400 trước Công nguyên đến năm 43).

Phát hiện mới được thực hiện trong chuyến khai quật của Bảo tàng Khảo cổ London (MOLA) và công ty Headland Archaeology theo kế hoạch nâng cấp Quốc lộ A14 từ Cambridge đến Huntingdon, Guardian hôm 12/6 đưa tin.

Việc tìm thấy xương ếch ở các địa điểm khảo cổ không quá kỳ lạ, nhưng số lượng xương cực lớn ở Bar Hill vẫn khiến các nhà khoa học bối rối. “Việc có nhiều xương như vậy dưới một con mương vô cùng khác thường”, tiến sĩ Vicki Ewens, nhà khảo cổ học động vật cấp cao tại MOLA, nói. Bà cũng cho biết, số xương này chủ yếu thuộc về ếch và cóc thông thường, những loài hiện diện trong các ao vườn trên khắp nước Anh.

Nhiều nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Lưỡng Hà, Hy Lạp và La Mã đều coi ếch là biểu tượng cho sự sinh sôi và một số ý nghĩa khác. Tuy nhiên, số xương ếch ở Bar Hill thuộc thời tiền sử nên việc tìm ra lời giải thích chính xác rất khó khăn.

Đọc Thêm:  Nguyên nhân tôm cua chết hàng loạt ở Anh

Số động vật này khó có khả năng chết do người dân ở khu định cư Bar Hill ăn thịt. Các nhà khảo cổ cho biết, dù có bằng chứng về việc tiêu thụ động vật lưỡng cư ở Anh từ thời Đồ Đá, những bộ xương này không có vết cắt hay vết cháy. Tuy nhiên, nếu ếch bị luộc chín thì có thể không để lại dấu vết.

Dấu vết ngũ cốc hóa than gần khu định cư cho thấy người dân ăn các loại cây vốn thu hút sinh vật gây hại như bọ cánh cứng và rệp. Đây chính là thức ăn của ếch. Vì vậy, có thể ếch kéo đến đây vì nguồn thức ăn hấp dẫn.

Một cách giải thích khác là “thảm kịch ếch thời tiền sử”. Theo nhóm chuyên gia, ếch di chuyển với số lượng lớn vào mùa xuân để tìm kiếm vùng nước sinh sản. Chúng có thể rơi xuống mương rồi mắc kẹt.

Đọc Thêm:  'Vũ khí' hấp thụ âm thanh giúp bướm đêm chống lại dơi

Giả thuyết thứ ba là ếch chết bất thường do mùa đông khắc nghiệt. Ếch ngủ đông đôi khi ẩn mình trong bùn, nhưng thời tiết quá lạnh có thể giết chết chúng. Ngoài ra, chúng có thể bị bệnh, giống như giai đoạn những năm 1980, ếch ở Anh bị ranavirus tấn công mạnh.

Các chuyên gia chưa rõ độ sâu của mương và mới chỉ đào sâu khoảng một mét đất. Họ cũng chỉ tìm thấy một lượng nhỏ rác thải sinh hoạt tại khu vực này, trong đó có các mảnh gốm thời Đồ Sắt.

Phát hiện mới là một trong số nhiều phát hiện khảo cổ được tìm thấy trong khoảng 40 cuộc khai quật từ năm 2016 – 2018 trên một khu vực rộng 234 ha, gồm cả đồ tạo tác lẫn hài cốt người. Dù các cuộc khai quật đã kết thúc, giới chuyên gia vẫn tiếp tục phân tích.

Ewens nghiên cứu số xương động vật khai quật được trong suốt hai năm qua. Khi tổng hợp lại tất cả các nghiên cứu, các nhà khoa học hy vọng sẽ hiểu thêm về cuộc sống hàng nghìn năm trước và tìm ra lý do đằng sau cái chết của số lượng lớn sinh vật lưỡng cư.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.