Tác giả ‘The Snowman’ qua đời

Raymond Briggs – tác giả cuốn “The Snowman”, “Father Christmas” – qua đời ở tuổi 88 vì bệnh tuổi già.

Theo Guardian, gia đình thông báo Raymond Briggs qua đời sáng 9/8 (theo giờ địa phương) sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Hoàng gia hạt Sussex. “Những cuốn sách của Raymond được hàng triệu độc giả trên thế giới yêu thích và xúc động. Họ sẽ rất buồn khi biết tin ông qua đời. Raymond rất trân trọng những bức vẽ lấy cảm hứng từ tác phẩm của ông, do người hâm mộ gửi tặng. Ông ghim tất cả lên tường trong studio của mình”, đại diện gia đình viết.

Francesca Dow – giám đốc điều hành thương hiệu sách dành cho trẻ em Penguin Random House – nói: “Raymond độc nhất vô nhị. Ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sáng tạo sách ảnh, tiểu thuyết đồ họa và hoạt hình. Ông để lại di sản phi thường và một khoảng trống lớn”.

Tác giả, họa sĩ truyện tranh Raymond Briggs. Ảnh: AP
Raymond Briggs (1934-2022). Ảnh: AP

Hơn 60 năm sự nghiệp, Raymond Briggs ghi dấu với loạt tác phẩm nổi tiếng. Ông sinh năm 1934 tại Wimbledon, London, là con duy nhất của vợ chồng Ernest và Ethel Briggs. Mẹ ông là giúp việc, cha làm nghề bán sữa. Trong Thế chiến thứ hai, ông được gửi đến sống với các dì ở vùng nông thôn.

Raymond sớm thích thú với những mẩu chuyện hoạt hình trên báo. Năm 15 tuổi, ông học tại Trường Nghệ thuật Wimbledon. Ông từng có hai năm làm việc trong quân đội, sau đó theo học Trường Mỹ thuật Slade. Ông bắt đầu sự nghiệp với việc vẽ tranh minh họa cho các tạp chí, nhà quảng cáo và sách. Thù lao đầu tiên đến từ việc vẽ hoa tulip và thủy tiên cho tạp chí House & Garden, sau đó là những con thú trong truyện cổ tích Cornish.

Những năm 1960, Raymond bắt đầu thất vọng về chất lượng những cuốn sách ông vẽ minh họa. “Chúng tệ đến mức tôi nghĩ mình có thể làm tốt hơn. Tôi viết một câu chuyện và đưa cho biên tập viên với hy vọng anh ta cho lời khuyên. Tuy nhiên, anh ấy nói sẽ xuất bản nó. Một người chưa viết cái gì ngoài bài luận ở trường, ngay lập tức có thể xuất bản tác phẩm đầu tiên, cho thấy chất lượng chung ra sao”,ông nói trên Guardian.

Tác phẩm đầu tay của ông The Strange House được xuất bản vào năm 1961. 5 năm sau, The Mother Goose Treasury với hơn 800 tranh minh họa đã mang về cho ông Huy chương Kate Greenaway dành cho “cuốn sách thiếu nhi có minh họa hay nhất ở Anh”.

Đọc Thêm:  Tỷ phú Ấn Độ chúc mừng con rể sắp làm thủ tướng Anh

Ông giành huy chương Kate Greenaway lần thứ hai và được khán giả biết đến rộng rãi với Father Christmas, năm 1973. Cuốn sách thiếu nhi mô tả Santa Claus là một ông già cáu kỉnh, càu nhàu trong đêm Giáng sinh- ngày bận rộn nhất năm. Trong bài phỏng vấn trên Guardian năm 2014, ông nói về cuốn sách bán chạy nhất của mình: “Santa Claus đã làm công việc đáng sợ này trong nhiều năm cùng những con tuần lộc: đi suốt đêm, trong thời tiết lạnh giá. Ông ấy bị ốm. Vì vậy, theo lẽ tự nhiên, ông ấy sẽ trở nên gắt gỏng”.

Bìa cuốn Father Christmas. Ảnh: literature
Bìa cuốn “Father Christmas”. Ảnh: literature

Trí tưởng tượng của ông tiếp tục thể hiện qua tác phẩm Fungus the Bogeyman năm 1977. Ông khắc họa nhân vật Fungus – với màu nâu đất và xanh lá đặc trưng – sống trong những đường hầm ẩm ướt, hôi hám. Công việc của hắn là khiến mọi người sợ hãi, gửi gắm thông điệp về sự tồn tại trong cuộc sống. Guardian nhận định tác phẩm phù hợp với “trẻ em trên 10 tuổi hoặc người lớn có tâm trí u ám và khiếu hài hước kinh khủng”. Trong khi Times gọi đây là “cuốn sách ảnh lý tưởng cho thời đại nhạc punk rock vàphơi bày sự xấu xí”. Tác phẩm bán được hơn 50.000 bản trong một năm.

Raymond Briggs chuyển sang sử dụng phấn màu trong The Snowman năm 1978, cuốn sáchvề tình bạn thoáng qua giữa cậu bé và người tuyết, truyền tải về cái chết, sự khắc nghiệt của cuộc sống. Khi cậu bé thức dậy chỉ thấy chiếc mũ và khăn quàng cổ của người tuyết nằm trên đống tuyết đang tan chảy. “Tôi không viết kết thúc có hậu. Tôi viết ra những gì tự nhiên và tất yếu. Người tuyết tan chảy, cha mẹ tôi mất, động vật chết, hoa chết. Mọi thứ đều có thể. Đó là sự thật cuộc sống”, ông nói trên Radio Times năm 2012. Tác phẩm được chuyển thể thành phim năm 1982, trong đó có bản nhạc Walking in the Air đầy ám ảnh.

Đọc Thêm:  Giới chức Anh đã thảo luận về vấn đề nguồn cung cấp thiết bị mạng 5G với các công ty ở Hàn Quốc và Nhật Bản

The Snowman trở thành một trong những bộ phim Giáng sinhnổi tiếng nhất nước Anh, được chiếu cố định hàng năm. Tác phẩm được đề cử giải Oscar “Phim ngắn hay nhất”. Danh tiếng của ông tiếp tục tăng cao với phiên bản truyền hình của Father Christmas năm 1991 và Fungus the Bogeyman năm 2004 và 2015.

Ngoài các tác phẩm thiếu nhi, ông ra mắt sách đề cập đến sự tàn khốc của chiến tranh hạt nhân – When the Wind Blows, cuộc xâm lược của người Anh trên quần đảo Falklands ở cuốn The Tin-Pot Foreign General and the Old Iron Woman và cuộc hôn nhân của cha mẹ mình qua Ethel and Ernest.

Theo New York Times, thất vọng và mất mát là chủ đề trong nhiều tác phẩm của Raymond Briggs – một tâm hồn u uất. Tác giả từng có ý định tự tử sau khi vợ – bà Jean – qua đời vì bệnh bạch cầu năm 1973. Trước đó hai năm, ông mất cả cha và mẹ. Ông sau đó kết hôn với Liz Benjamin – người qua đời vì bệnh Parkinson năm 2015.

Tác giả sống khép kín trong ngôi nhà ở Đông Sussex – nơi ông sưu tầm các bức tranh ghép hình về Nữ hoàng Anh. Trần phòng khách dán bản đồ, trên cửa tủ là chân dung của cha mẹ ông.

Tác phẩm cuối cùng của Raymond Briggs – Time for Lights Out kết hợp các trích dẫn, phác thảo, câu thơ về vấn đề ông chiêm nghiệm suốt cuộc đời: cái chết là không thể tránh khỏi. Trong đó, ông tưởng tượng ra cảnh những bóng ma đang nhìn quanh ngôi nhà của mình ở Sussex: “Bạn nên nhìn thấy những thứ đó/ Anh ta bị mắc kẹt trên gác mái đó/ Người tuyết này và người tuyết kia/ Hàng tấn và hàng tấn”…

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.