Cứ đến độ mùa xuân khi tiết trời trở nên ấm áp, hàng nghìn con cá voi xanh, cá voi vây và cá voi lưng gù, lại len lỏi qua eo biển Santa Barbara ở California, Mỹ, di cư tới vùng nước mát mẻ ở bắc Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, việc di chuyển qua tuyến đường hẹp đó đã đặt những con cá voi vào tình huống nguy hiểm khi chúng rất dễ bị đụng phải ngàn con tàu chở hàng nặng nhiều tấn đang hướng về bến cảng.
Những vụ va chạm với tàu chở hàng là một trong các nguyên nhân chính khiến đàn cá voi tử nạn. Đặc biệt, vấn đề này đang trở nên nghiêm trọng hơn.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn năm 2018 tới 2019, các chuyến tàu kiểu này đã giết chết ít nhất 20 con cá voi. Hàng chục con khác cũng bị thương, hoặc cùng chung số phận và đang nằm phơi xác dưới đáy đại dương. Bởi vậy, người ta còn nói, eo biển Santa Barbara là “khu vực tử thần” của loài cá voi.
John Calambokidis, nhà nghiên cứu hành vi cá voi, đồng thời là nhà sáng lập của tổ chức Cascadia Research Collective ở bang Washington State, cho biết, trong những chuyến đi chơi, ông nhìn thấy ít nhất 200 con cá voi xanh bơi ở khu vực rất cận các tuyến đường vận chuyển của tàu biển. “Điều này khiến tỷ lệ tử vong cao”, ông nói.
Trước tình hình trên, hiện trung tâm đa dạng sinh học Mỹ (CBD) đang lên kế hoạch kiện Cơ quan Ngư nghiệp Hải dương Mỹ và Lực lượng tuần duyên Mỹ vì vi phạm Luật bảo vệ các loài nguy cấp.
Luật sư của CBD cho biết, những vụ va chạm giữa tàu biển với cá voi là mối đe dọa lớn với sự phục hồi của loài động vật này dọc theo bờ biển California, đặc biệt với loài cá voi vây và cá voi xanh đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Một biện pháp được CBD đưa ra đó là, cần xem xét hạn chế tốc độ bắt buộc với tàu biển. Nếu tàu chở hàng giảm tốc độ xuống 18,5 km/h có thể giúp loài cá voi có cơ hội né tránh, hoặc ít nhất có thể sống sót sau một vụ va chạm.
Đại diện của CBD cũng cho rằng, việc hạn chế tốc độ sẽ mang lại những hiệu quả nhất định tại vùng eo biển Santa Barbara. Tuy nhiên điều này có thành công ở California hay không vẫn còn là vấn đề bàn cãi.
Một vấn đề khác nảy sinh, nếu tàu chạy chậm hơn, có nghĩa là chúng sẽ lưu lại ở vùng eo biển lâu hơn, kéo thèo khả năng đụng độ cá voi tăng lên. Với số lượng cá voi di cư lớn trong mùa dẫn tới nguy cơ va chạm vẫn rất cao.
Trên thực tế, với loài cá voi, tốc độ 18.5 km/h cũng không phải là lý tưởng. Một số trường hợp tử vong còn liên quan tới lực va chạm làm gãy xương cá voi dẫn tới tình trạng xuất huyết. Ngay cả những tàu nhỏ di chuyển dưới 18.5 km/h cũng có thể khiến loài này bị tử vong.
Trải qua nhiều cuộc tranh luận, hiện các chuyên gia nhận định, tuyến vận chuyển của tàu biển nên đổi hướng, tránh khu vực tập trung của loài động vật biển này.
Quốc Việt
Theo Hakai/ Santabarbaraca/ Los Angeles Times