Big Ben – từ lâu đã trở thành một niềm tự hào của người dân Anh quốc, tọa lạc ngay tại thủ đô London. Hằng năm Big Ben vẫn thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.
Tháp đồng hồ Big Ben năm nay đã 157 tuổi.
Tháp đồng hồ Big Ben là một phần của thiết kế của Charles Barry cho một tòa lâu đài mới, sau khi Cung điện Westminster bị hỏa hoạn phá hủy đêm 16 tháng 10 năm 1834. Tháp được thiết kế theo phong cách Victorian Gothic và cao 96,3 m.
Thiết kế 61 m đầu tiên của kết cấu là tháp đồng hồ, bao gồm gạch xây phủ đá; phần còn lại chiều cao của tháp là cơ cấu hình chóp bằng gang. Móng rộng 15 x 15 m, bê tông dày 3 m, sâu 7 m dưới đất. Trọng lượng tháp 9553 tấn. Bốn mặt đồng hồ cao 55 m trên mặt đất. Do điều kiện nền đất kể từ khi được xây dựng đến nay, tháp hơi nghiêng về phía Tây-Bắc, khoảng 0,26 độ.
Khi toà tháp hoàn thành, bốn mặt đồng hồ mang màu nguyên bản là vàng và xanh cô ban (sơn trên mặt số và kim đồng hồ). Tuy nhiên, vào những năm 1930, bốn mặt đồng hồ đã được sơn thành màu đen và vàng mà chúng ta thấy những năm gần đây.
Tính đến hiện tại, Big Ben đã 157 tuổi, đổ chuông 15 phút/lần và phát ra những tiếng “bong” khi điểm đúng giờ.
Tên thật của tháp đồng hồ Big Ben.
Thật ra Big Ben tên đầy đủ là Tháp đồng hồ của cung điện Westminster, là một cấu trúc tháp đồng hồ ở mặt Đông-Bắc của công trình Nhà quốc hội ở Westminster, Luân Đôn, nước Anh.
Mặc dù được biết đến rộng rãi với cái tên Big Ben, nhưng thực ra, tên này chính là tên của cái chuông nặng nhất, 13,5 tấn, trong năm cái chuông điểm mỗi 15 phút một lần đặt bên trong tháp. Tháp còn bị gọi nhầm là St. Stephen’s Tower.
Tháp đồng hồ Big Ben đã được đổi lại tên vào năm 2012.
Vào ngày 4/6/2012, Big Ben đã chính thức được đổi tên thành Tháp Elizabeth nhân kỉ niệm Đại lễ Kim cương đánh dấu 60 năm trị vì của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Tuy nhiên, có lẽ đến nay cái tên Big Ben vẫn được nhiều người dùng đến hơn.
Big Ben sẽ không đổ chuông cho đến năm 2021
Trong kế hoạch tu sửa của tháp đồng hồ Big Ben, khung đồng hồ sẽ được tháo rời và kiểm tra, sửa chữa tỉ mỉ từng bánh răng. Bốn mặt đồng hồ sẽ được tân trang và làm sạch.
Các khung của 4 mặt đồng hồ sẽ được sơn lại và 3 kim đồng hồ dài 4,2 mét sẽ được thay mới hoàn toàn. Ngoài ra, toàn bộ phần mái bằng gang của tháp đồng hồ cũng được dỡ ra để sửa chữa.
Trong suốt quá trình sửa chữa, toàn bộ hệ thống búa gõ vào các quả chuông sẽ được khoá lại và ngắt kết nối với đồng hồ để bảo vệ thính lực cho các công nhân. Ngoài ra, một mặt đồng hồ sẽ vẫn hoạt động bằng mô tơ điện để người dân và khách du lịch vẫn còn nhìn thấy hình dáng của tháp đồng hồ.
Vào ngày 21 tháng 8 năm 2017, tháp đồng hồ Big Ben đã điểm chuông lần cuối (vào đúng 12 giờ trưa) để đánh dấu cho hoạt động trùng tu lớn nhất từ trước đến nay.
Nếu bạn đang có ý định ghé thăm công trình vĩ đại này thì cũng sẽ không quá thất vọng khi một mặt đồng hồ sẽ vẫn hoạt động bằng mô tơ điện và vẫn có thể nhìn thấy hình dáng của tháp đồng hồ. Big Ben sẽ chỉ điểm chuông vào các dịp đặc biệt như đêm Giao thừa. Công tác trùng tu sửa chữa sẽ hoàn tất vào năm 2021.
Những điều thú vị khác về tháp đồng hồ Big Ben:
Vào năm 2015, đồng hồ Big Ben được phát hiện chạy chậm 6 giây. Để khắc phục sự cố này, các kỹ sư đã điều chỉnh bằng cách thêm hoặc bớt những đồng xu để con lắc hoạt động chính xác.
Big Ben bị nghiêng về hướng Tây Bắc theo một góc 0,26 độ. Theo tính toán, phải mất khoảng 10.000 năm nữa thì Big Ben mới có độ nghiêng như tháp nghiêng Pisa của Italy.
Big Ben ngừng đổ chuông trong 2 năm khi xảy ra chiến tranh thế giới thứ nhất.
Bên trong tháp Big Ben không có thang máy. Do vậy, những người được phép vào bên trong Big Ben phải đi bộ trên một cầu thang cao 334 bậc.
Theo ước tính, nếu Big Ben được xây dựng vào thời điểm hiện nay thì chi phí sẽ vào khoảng 222.000 USD (tương đương khoảng gần 5 tỷ VNĐ).
4 mặt của đồng hồ Big Ben được các chuyên gia lau dọn 5 năm/lần.
Tiếng chuông của đồng hồ Big Ben được dùng làm nhạc hiệu của đài BBC chính thức vào ngày 17/02/1924.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Trang Báo thanhnien.vn.
Trang Wikipedia.