Dù giữ được ghế Thủ tướng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, ông Johnson đối mặt thực tế rằng uy tín của mình đang giảm sút nghiêm trọng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 6/6 đã “thoát hiểm” trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của đảng Bảo thủ cầm quyền với 211 phiếu ủng hộ, tương đương 59% số phiếu, và 148 phiếu chống, qua đó vẫn giữ được chức vụ Thủ tướng cũng như cương vị lãnh đạo đảng. Phe “nổi loạn” trong đảng Bảo thủ cần tối thiểu 180 phiếu chống để truất ghế của ông.
Thủ tướng Johnson gọi đây là “chiến thắng quyết định và thuyết phục” giúp chính phủ bước tiếp và tập trung vào những vấn đề hữu ích với người dân. Nhưng ngay cả các nghị sĩ đảng Bảo thủ ủng hộ ông dường như cũng không nghĩ như vậy.
Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, các nghị sĩ trung thành với Johnson đều thể hiện vẻ mặt buồn bã và nhanh chóng rời khỏi nghị trường chỉ trong hai phút. Số phiếu ủng hộ mà ông Johnson nhận được còn thấp hơn cả mức mà những đồng minh bi quan nhất của ông từng dự đoán.
Trước cuộc bỏ phiếu, uy tín của Thủ tướng Johnson đã bị suy giảm nặng nề khi ông gần đây liên tục đối mặt cáo buộc tiệc tùng giữa lúc Anh áp lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 hồi năm ngoái. Loạt ảnh ông cùng các nhân viên vi phạm quy tắc chống dịch liên tục được truyền thông Anh đăng tải.
Ông hồi tháng 4 xin lỗi trước quốc hội sau khi trở thành lãnh đạo Anh đầu tiên bị phạt vì vi phạm quy định liên quan lệnh phong tỏa ngăn Covid-19. Tuy nhiên, Thủ tướng Johnson khẳng định vẫn tiếp tục vai trò lãnh đạo đất nước, trong đó có nỗ lực hỗ trợ Ukraine đối phó chiến dịch quân sự của Nga.
Trước khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm diễn ra, nhiều chuyên gia đã dự đoán Thủ tướng Johnson khó thất thế, bởi phe “nổi loạn” trong đảng gần như không thể thuyết phục đủ 180 nghị sĩ bỏ phiếu chống lại ông. Đảng Bảo thủ hiện cũng không có ứng viên nổi bật nào đủ khả năng thay thế Johnson, Luke McGee, nhà phân tích về chính trị và chính sách Anh cùng Liên minh châu Âu của CNN, nhận định.
Tuy nhiên, tương lai chính trị của Thủ tướng Johnson đang trở nên ngày càng bấp bênh, bởi kết quả bỏ phiếu có ra sao cũng không thể phủ nhận thực tế là mức tín nhiệm đối với ông cũng như đảng Bảo thủ đang liên tục giảm, giới chuyên gia đánh giá.
Suốt nhiều tháng qua, Thủ tướng Johnson và chính phủ của ông đã vướng vào hàng loạt bê bối, từ việc lên tiếng bảo vệ một nghị sĩ đã vi phạm các quy tắc vận động hành lang, cho đến việc một nghị sĩ khác bị kết tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Cách chính phủ xử lý bê bối tiệc tùng giữa đại dịch đôi khi cũng bị chỉ trích là phiến diện và không mạch lạc.
Theo quy định hiện nay, Thủ tướng Johnson sẽ không phải đối mặt với bất cứ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm nào khác trong ít nhất 12 tháng tới. Tuy nhiên, đang xuất hiện đồn đoán rằng nhiều nghị sĩ Anh đang tìm cách sửa quy định để có thể tiếp tục tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tiếp theo nhằm lật đổ ông.
Họ lo ngại rằng nếu mức tín nhiệm của Thủ tướng Johnson tiếp tục suy giảm, ông cũng có thể kéo uy tín của đảng Bảo thủ chìm sâu.
Đảng Bảo thủ đang đứng trước nguy cơ mất hai ghế nghị sĩ sau các cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào ngày 23/6. Nếu viễn cảnh này thành hiện thực, ngay cả những người ủng hộ trung thành nhất của Johnson cũng khó có thể tuyên bố rằng việc Thủ tướng mất lòng cử tri không liên quan gì đến uy tín của đảng.
Khi đó, các nghị sĩ khác cũng có thể phải tự hỏi liệu họ có giữ được ghế của mình trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo, dự kiến diễn ra vào năm 2024, hay không, nếu họ tiếp tục trung thành với ông Johnson.
Vì vậy, trong khi Thủ tướng Johnson rất muốn tiếp tục công việc, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ vẫn coi mùa hè này là cơ hội tốt nhất để loại bỏ ông khỏi quyền lực và bầu một lãnh đạo mới.
Để tránh tất cả những điều này, Thủ tướng Johnson cần phải vực dậy tỷ lệ tín nhiệm của mình cũng như đảng Bảo thủ. Theo nhà phân tích McGee, đây là nhiệm vụ rất khó khăn trong bối cảnh hiện nay, khi Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng “bão giá” tồi tệ nhất nhiều thập kỷ.
Do đảng Bảo thủ đã nắm quyền từ năm 2010 nên họ khó có thể trấn an công chúng rằng họ vẫn nắm trong tay những giải pháp mới mẻ để giải quyết vấn đề.
Ngay cả một số đồng minh cũng thừa nhận rằng Thủ tướng Johnson không có nhiều lợi thế trong tương lai. Những tuần gần đây, nhiều nghị sĩ ủng hộ Thủ tướng Anh nói rằng họ cảm thấy sức hút của ông đang giảm dần và ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy ông đang mệt mỏi, cạn ý tưởng. Họ tự hỏi liệu có thể để một lãnh đạo như vậy tiếp tục tác động tới uy tín của đảng trong bao lâu nữa.
“Hiện tại, Thủ tướng Johnson có thể tạm thời thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm này chỉ đem lại cho ông một chút không khí mà thôi”, McGee nhận định.