Mặc dù tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 chưa phổ biến ở mọi quốc gia nhưng cuối tháng 11-2020, Qantas của Úc đã trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới yêu cầu khách có chứng nhận đã tiêm vắc xin mới được phép bay.
Với thực tế là các chiến dịch tiêm chủng diện rộng đã được triển khai từ Á đến Âu, nhiều người đang cần một câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi liệu chúng ta có cần “hộ chiếu vắc xin” hay chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 khi đi nước ngoài hay không?
Châu Âu ủng hộ
Thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về “hộ chiếu vắc xin” khá rõ ràng. Tại một buổi cung cấp thông tin cho báo chí ở Copenhagen, Đan Mạch ngày 4-12-2020, bác sĩ Catherine Smallwood – chuyên viên cao cấp về vấn đề khẩn cấp của WHO tại châu Âu – cho biết: “Chúng tôi không khuyến nghị “hộ chiếu miễn dịch” (chứng nhận tiêm vắc xin) và cũng không khuyến nghị dùng xét nghiệm như một phương tiện để ngăn ngừa đường lây truyền qua biên giới. Những gì chúng tôi khuyến nghị là các quốc gia nên xem xét dữ liệu về sự lây lan trong nước và nước ngoài và điều chỉnh hướng dẫn đi lại của họ cho phù hợp”.
Bất chấp khuyến nghị của quan chức WHO, nhiều nước châu Âu dường như đang ngả theo “hộ chiếu vắc xin”, thà an toàn mà tránh được dịch vẫn hơn là phải nói hối tiếc.
Tại Hi Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis đã cố dung hòa lợi ích các bên khi xác nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ không phải là đòi hỏi bắt buộc trong vấn đề di chuyển, nhưng ai đã tiêm vắc xin rồi thì họ nên được tự do di chuyển. Điều này có thể hiểu là trong trường hợp một khu vực bị phong tỏa do đại dịch, những ai đã tiêm vắc xin có thể được miễn trừ.
Ở Hungary, chính quyền đã yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng minh là mình đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động.
Tại Iceland, người nào có giấy tờ xác nhận mình đã từng nhiễm và khỏi COVID-19 kể từ ngày 10-12-2020 thì không cần xét nghiệm hay cách ly. Người phát ngôn của chính phủ cho rằng yêu cầu này của chính quyền không giống với yêu cầu chứng nhận đã tiêm vắc xin.
Bỉ ủng hộ “hộ chiếu vắc xin” ở EU và thậm chí là trên toàn cầu. Dự báo nhiều nước sẽ đòi hỏi du khách phải trình chứng nhận đã tiêm vắcxin ở cửa khẩu. Đan Mạch, nước châu Âu hiền hòa, đã cho phép người dân lấy hộ chiếu này trên trang web của Bộ Y tế.
Nhiều công ty như CommonPass, IBM, Linux Foundation… đã tận dụng cơ hội này để phát triển các ứng dụng hay hệ thống để người dùng tải dữ liệu về kết quả xét nghiệm COVID-19 hoặc lịch sử tiêm vắc xin. Theo đó, sau khi tải lên hệ thống, người dùng sẽ có một mã QR để cung cấp cho nhà chức trách mà không phải tiết lộ những thông tin cá nhân nhạy cảm.
Lo ngại quyền riêng tư
Theo kênh Euronews, hàng ngàn người Anh đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 sẽ nhận được tấm hộ chiếu điện tử cho phép họ đi qua nhiều cánh cửa biên giới. Tiền cho hoạt động này đến từ ngân sách của chính phủ, đặc biệt là khi nhiều nước đã yêu cầu người dân Anh phải có xét nghiệm âm tính được cấp 3 ngày trước khi lên máy bay do lo ngại virus biến thể.
Mặc dù chứng nhận tiêm vắc xin nhằm mục đích trả lại khả năng đi lại tự do, thoải mái như trước đại dịch, nhiều người châu Âu lo ngại rằng yêu cầu này xâm phạm đến quyền tự do cá nhân và quyền riêng tư của họ.
Ana Beduschi, giáo sư luật của Đại học Exeter (Anh), viết trong một báo cáo: “Hộ chiếu y tế (kỹ thuật số) có thể góp phần vào việc quản lý lâu dài đại dịch COVID-19, tuy nhiên nó đặt ra những câu hỏi cần thiết về việc bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu và quyền con người.
Đơn cử là nhiều cơ quan sẽ yêu cầu chúng ta cung cấp thông tin về sức khỏe, chẳng hạn như kết quả xét nghiệm COVID-19 hoặc hồ sơ tiêm chủng, thì mới được vào một số không gian công cộng và tư nhân như nhà hàng, nhà thờ hoặc dùng phương tiện giao thông công cộng”.
Những người đã được tiêm vắc xin sẽ được đi lại tự do và ngược lại, những người không tiêm vắc xin sẽ bị từ chối dịch vụ chuyên chở hoặc quyền đi đến nhà thờ, nhà thi đấu thể thao…
Yêu cầu về tấm “hộ chiếu tiêm chủng” hoặc xét nghiệm âm tính sẽ phân biệt con người chỉ bằng hai tiêu chí, có hoặc không tiêm vắc xin, âm tính hoặc dương tính. Nó có thể bảo vệ quyền tự do của những người không mắc bệnh hoặc đã được tiêm chủng nhưng với những trường hợp không thể tiếp cận, không đủ tiền làm xét nghiệm COVID-19 hoặc không vắc xin, họ sẽ không thể chứng minh tình trạng sức khỏe của mình và do đó quyền tự do của họ trên thực tế sẽ bị hạn chế.
“Hộ chiếu vắc xin” đã được hiện thực hóa ở châu Âu, bất chấp những phức tạp và tranh luận trong xã hội. Các nước trong liên minh còn thảo luận chia sẻ dữ liệu với nhau sao cho an toàn và bảo mật. Dù vậy, người dân vẫn còn thấy băn khoăn.
Theo: Tuổi trẻ