Làng Cầu Vồng nổi tiếng ở Đài Loan và những câu chuyện kiện tụng phía sau
Làng Cầu Vồng là một trong những điểm đến thu hút đông du khách nhất ở Đài Loan, nhưng người chủ đã suýt mất nó vì sự nổi tiếng quá nhanh của nơi này.
Đó là một buổi sáng thứ hai vào mùa thấp điểm du lịch, nhưng du khách với gậy selfie và máy ảnh vẫn kéo đến rất đông ở Làng Cầu Vồng thuộc Đài Trung, Đài Loan.
Họ lướt qua những bức tường rực rỡ sắc màu và nhanh chóng bị chúng cuốn hút vào. Giữa đám đông, có một cặp đôi mặc váy cưới và tuxedo.
Được mệnh danh là viên ngọc quý của ngành du lịch địa phương, Làng Cầu Vồng trở nên nổi tiếng sau khi được cẩm nang du lịch của Lonely Planet giới thiệu.
Ấn phẩm này không tiếc lời ngợi ca khi đưa nơi này vào hạng mục “Điểm đến có khả năng Instagram nhất ở Đài Loan”.
Ông Hoàng Vĩnh Phụ (Huang Yung-fu), năm nay 97 tuổi, là bộ não sáng tạo đằng sau những bức tường tranh đẹp mê li kia. Ông ngồi im lặng cạnh thùng tiền quyên góp và gian hàng bán đồ lưu niệm mang chủ đề cầu vồng.
“Tôi là Ông lão Cầu Vồng và là người duy nhất làm được điều này trên thế giới”, ông Hoàng chia sẻ.
Ông không chỉ là người thổi hồn cho ngôi làng thiếu sức sống, biến nơi này trở nên đầy thu hút, mà gần như còn là nạn nhân của sự nổi tiếng.
Sinh ra ở Hồng Kông, giờ đây lão Hoàng chỉ có thể mường tượng một cách mơ hồ về thời niên thiếu của mình qua các bài võ thuật và những màn múa lân nhộn nhịp.
Ông gia nhập quân ngũ năm 17 tuổi, từng điều khiển máy bay F-86 Sabre để oanh tạc bầu trời Trung Quốc trong cuộc nội chiến đại lục.
Sau khi chuyển đến đảo Đài Loan, ông sống cuộc đời nhàm chán của một cựu chiến binh suốt hàng thập kỷ cùng các đồng đội của mình. Ngôi làng ông sống thuộc quản lý của quân đội và nằm trong diện bị giải tỏa.
Năm 88 tuổi, ông bắt đầu múa cọ vẽ lên bức tường nhà mình rồi dần dần biến cả ngôi làng thành tác phẩm khổng lồ của riêng ông.
“Tôi thích vẽ những nghệ sĩ nổi tiếng và ngôi sao thể thao”, ông Hoàng kể. Các tác phẩm của ông khắc họa khuôn mặt của những ca sĩ lừng lẫy danh tiếng một thời, như Phượng Phi Phi hay Bạch Băng Băng, qua những nét vẽ và tông màu độc đáo.
Nhanh chóng sau đó, những tác phẩm này lọt vào mắt xanh của các sinh viên ở Đại học Lĩnh Đông.
Nhận thấy giá trị của các tác phẩm, nhóm sinh viên vận động nhiều chiến dịch xã hội để kêu gọi chính quyền giữ lại khu phố và đã thành công vào năm 2010. Ông Hoàng và vợ là những cư dân duy nhất còn ở lại.
Nhờ vào mạng xã hội, nơi này nhanh chóng nổi tiếng trên khắp thế giới và dễ dàng đạt được con số 1,5 triệu khách tham quan mỗi năm.
Vì sự trỗi dậy quá mạnh mẽ, nơi này không chỉ hút du khách mà còn hút những doanh nghiệp địa phương mong muốn tìm kiếm cơ hội.
Lin Zhunan, người sáng lập trang web Artlib Net, đã lừa ông Hoàng ký vào một hợp đồng cho phép công ty này được quyền sử dụng các tác phẩm của ông.
Nhưng trước đó, em trai của ông Hoàng đã ký kết một hợp đồng tương tự, khiến công ty kiện người em này ra tòa để giành lấy toàn quyền sử dụng tác phẩm.
Mặc dù Lin cuối cùng đã thua kiện, nhưng ông đã hạ uy tín của ông Hoàng cùng gia đình bằng cách dựng chuyện và thêu dệt nên hình ảnh một người em trai tham lam, khai thác triệt để công trình của anh trai mình để trục lợi.
Câu chuyện gây xôn xao dư luận vào năm 2017.
Công ty du lịch Rainbow Creative chuyên điều hành các tour tham quan Làng Cầu Vồng và có trách nhiệm chăm nom cho ông cụ Hoàng trong suốt 8 năm qua, đã yêu cầu Lin đưa ra một lời xin lỗi chính thức với tư cách cá nhân và của công ty.
Nhưng chưa có một phát ngôn chính thức nào đưa ra, Lin sau vụ việc này bị kéo vào hàng loạt vụ kiện tụng khác.
Không chỉ nhắm vào ông Hoàng, Lin trước đó còn lừa đảo hàng loạt họa sĩ trẻ khác bằng cách hứa hẹn những lời mật ngọt, để rồi hắn ép họ phải ký hợp đồng để công ty của hắn được toàn quyền sử dụng các tác phẩm trọn đời.
Ông Hoàng đã qua khỏi cái tuổi tranh giành, toan tính. Giờ ông chỉ ngồi yên và nhăn nhó mệt mỏi khi nhớ lại những chuyện đã qua.
Sóng gió đã qua, ông cụ đã ổn định với thói quen thường nhật: đánh một giấc vào buổi trưa, ngắm nhìn dòng người qua lại rồi vươn những ngón tay lấm lem màu để vẽ vời vào ban đêm khi không còn khách du lịch.
Cụ Hoàng dành phần lớn thời gian trong ngày để ngồi trong nhà, nơi ông vui vẻ chụp ảnh cùng du khách và giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật của mình cho người hâm mộ và những người quan tâm.
“Được rồi, hãy để tôi về”, ông Hoàng cắt ngang cuộc phỏng vấn, “Tôi e rằng những vị khách không biết tôi đã đi đâu”.