Kinh tế Anh tiến đến bờ vực suy thoái

Tăng trưởng GDP quý III của Anh giảm 0,2% báo hiệu sự khởi đầu của một cuộc suy thoái kéo dài.

Ước tính sơ bộ của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) vừa cho biết, tăng trưởng GDP nước này giảm 0,2% trong quý vừa rồi (quý II, kinh tế Anh cũng giảm 0,1%). Kết quả tốt hơn so với dự báo khi các nhà kinh tế cho rằng quý vừa qua giảm đến 0,5%, theo khảo sát của Reuters.

Cả 3 lĩnh vực dịch vụ, sản xuất và xây dựng đều chậm lại. Trong đó, sản lượng dịch vụ đi ngang do suy giảm của các dịch vụ phục vụ người tiêu dùng. Sản xuất giảm 1,5%, với sản lượng đi xuống ở tất cả 13 phân ngành của lĩnh vực này.

Nền kinh tế của Anh hiện có quy mô bé hơn so với trước đại dịch. Đây cũng là nền kinh tế G7 duy nhất chưa phục hồi hoàn toàn sau đợt sụt giảm vì Covid-19. Tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation cho biết sự sụt giảm trong quý III ít hơn mức mà các nhà đầu tư lo ngại, nhưng nó đã khiến nước Anh tiến đến suy thoái nhanh nhất kể từ giữa những năm 1970.

Đọc Thêm:  Ngày hỗn loạn dẫn đến quyết định từ chức của Thủ tướng Anh

“Những lo sợ về suy thoái đang trở thành hiện thực”, Suren Thiru, Giám đốc kinh tế của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales, cho biết. Theo ông, kết quả quý III là khởi đầu của một giai đoạn thấm đòn bởi lạm phát cao hơn, hóa đơn năng lượng và lãi suất ảnh hưởng đến thu nhập. Theo ông, Anh sẽ bước vào cuộc suy thoái kỹ thuật từ cuối năm nay.

Người đi bộ trên Cầu Thiên niên kỷ với khu tài chính London phía sau vào ngày 20/1/2021. Ảnh: Reuters
Người đi bộ trên Cầu Thiên niên kỷ với khu tài chính London phía sau vào ngày 20/1/2021. Ảnh: Reuters

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tuần trước cũng dự báo đất nước có thể bước vào cuộc suy thoái dài nhất lịch sử, kéo dài từ quý III đến năm 2024 và khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 6,5% trong hai năm tới. Theo BoE, dù cho họ dừng tăng lãi suất, kinh tế vẫn sẽ thu hẹp trong 5 trên 6 quý đến cuối năm 2023.

Anh đang đối mặt với cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt, do giá năng lượng và hàng hóa tăng cao. BoE gần đây đã tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1989, khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng kiềm chế lạm phát hai con số.

Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt sẽ công bố chương trình nghị sự chính sách tài khóa mới vào tuần tới. Theo đó, giới chức dự kiến tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Thủ tướng Rishi Sunak đã cảnh báo rằng cần phải đưa ra “những quyết định khó khăn” để ổn định nền kinh tế đất nước.

Đọc Thêm:  Nước Anh chuẩn bị tận hưởng ngày nóng nhất trong năm tính đến nay, cập nhật mức tiền phạt nếu vi phạm quy tắc giãn cách

James Smith, Giám đốc nghiên cứu của Resolution Foundation cho rằng Thủ tướng Anh sẽ phải cân bằng giữa việc giữ bền vững nền tảng tài chính công, mà không làm cho cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trở nên tồi tệ hơn, hoặc ảnh hưởng đến các dịch vụ công đã quá căng thẳng.

“Mặc dù số liệu lạm phát có thể bắt đầu cải thiện, chúng tôi dự đoán giá vẫn tiếp tục tăng trong một thời gian, gây thêm áp lực lên nhu cầu”, George Lagarias, Nhà kinh tế trưởng của Mazars, nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia, nếu gói chính sách tài khóa sắp công bố gây khó khăn nhiều cho người nộp thuế, tiêu dùng sẽ còn suy giảm hơn nữa. Khi đó, BoE nên bắt đầu cân nhắc về tác động của cú sốc giảm nhu cầu đối với nền kinh tế.

Trang tin tức dành cho người Việt tại Anh Quốc. Hãy share ngay cho cộng đồng người Việt tại Anh Quốc để cập nhật tin mới về luật pháp, cuộc sống, nghề nails.